Giá dầu thô hôm nay 2/6: Nhích nhẹ do nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc
Theo Sở Giáo dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0,51% lên 115,26 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0,6% lên 116,29 USD/thùng.
Giá tăng mạnh trong phiên sáng trước những thông tin tích cực từ Trung Quốc, đặc biệt khi Thượng Hải cho phép các hoạt động sinh hoạt bình thường như giao thông, cửa hàng,… vận hành trở lại, sau 2 tháng dài đóng cửa để kiểm soát dịch. Cùng với kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ để kích thích nền kinh tế phục hồi sau đợt bùng phát dịch này, giới phân tích đưa ra kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ còn gia tăng, không chỉ do hoạt động đi lại phục hồi mà còn do các hoạt động sản xuất, công nghiệp gia tăng.
Trong khi đó, với việc EU dự kiến cấm nhập khẩu dầu từ Nga, nguồn cung khả năng cao sẽ còn thắt chặt. Một số nhà phân tích kỳ vọng sản lượng dầu của Nga sẽ còn tiếp tục giảm. Tính trong tháng 4, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA sản lượng dầu của Nga đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng sản xuất của Mỹ và các thành viên khác trong OPEC+ chỉ mới bù đắp được khoảng 300.000 thùng/ngày, tạo ra khả năng tình trạng mất cân bằng cung cầu trên thị trường. Theo báo cáo của Ủy ban Kỹ thuật OPEC+ ngày hôm qua, nhóm đã hạ dự đoán thặng dư thị trường dầu năm 2022 khoảng 500.000 thùng/ngày xuống 1,4 triệu thùng/ngày.
Dù vậy, giá đã nhanh chóng chịu áp lực trở lại trong phiên tối, do lực bán chốt lời. Tâm lý trên thị trường cũng chịu ảnh hưởng sau khi báo cáo Beige Book Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed phát hành cho thấy ngành bán lẻ và bất động sản bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu tiêu cực, khi người tiêu dùng đối mặt với giá cả hàng hóa leo thang trong khi Fed bắt đầu thắt chặt các hỗ trợ cho nền kinh tế.
Báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API rạng sáng nay cho thấy tồn kho dầu thương mại giảm nhẹ 1,2 triệu thùng. Với thị trường đang tập trung vào các chính sách vĩ mô và lệnh cấm vận tại Mỹ, EU, Trung Quốc, số liệu này không tạo ra nhiều tác động. Thông tin thực sự đang gây áp lực đến giá hiện tại là Hungary đang yêu cầu thêm nhiều quyền miễn trừ trong chính sách cấm vận Nga, khiến đàm phán cho gói cấm vận thứ 6 của EU gặp khó khăn.
Ngày hôm nay, thông tin quan trọng nhất bên cạnh các chính sách năng lượng của EU, sẽ là cuộc họp chính sách của OPEC+. Dù phần lớn giới phân tích kỳ vọng nhóm vẫn sẽ giữ chính sách tăng 432.000 thùng/tháng, tuy nhiên khả năng OPEC+ thay đổi chính sách vẫn còn, và diễn biến cuộc họp sẽ được thị trường theo dõi kỹ lưỡng.