Rạng sáng 14/4, Iran đã bắn hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa vào Israel, đánh dấu lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào nhà nước Do Thái. Đây là động thái trả đũa cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán Iran ở Syria hồi đầu tháng này. Phái đoàn Liên Hợp Quốc của Iran cảnh báo rằng động thái của họ sẽ “mạnh mẽ hơn đáng kể” nếu Israel có hành động trả đũa.
Khai thác dầu thô tại Iran. Nguồn ảnh: Raheb Homavandi, Reuters. |
Iran là nơi có nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ và là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Chia sẻ với kênh CNBC, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng căng thẳng Iran - Israel trong thời gian sắp tới có thể đẩy giá dầu lên cao.
Ông Andy Lipow, giám đốc công ty Lipow Oil Associates, cho biết: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào các cơ sở sản xuất hoặc xuất khẩu dầu ở Iran sẽ đẩy giá dầu thô Brent lên 100 USD/thùng và việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ khiến giá dao động trong khoảng 120 - 130 USD/thùng”.
Đồng quan điểm, ông Josh Young - giám đốc đầu tư tại công ty Bison Interests (Mỹ) cũng cho rằng giá dầu có thể tăng lên 100 USD, thậm chí sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong thời gian sắp tới. Ông cho rằng lý do đến từ sự thiếu đầu tư vào thăm dò và phát triển dầu mỏ, khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu rủi ro hơn.
Bất chấp những dự đoán từ các chuyên gia và tình hình ngày càng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, giá dầu đầu tuần này vẫn tương đối bình ổn. Thậm chí, giá dầu đang có sự giảm nhẹ: Giá dầu Brent toàn cầu vào sáng thứ hai giảm 0,31% xuống 90,17 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tương lai giảm 0,44% xuống mức 85,28 USD/thùng. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao giá dầu đang bình ổn, và liệu giá dầu có thể tiếp tục bình ổn trong tương lai không?
Yếu tố nào đang và sẽ làm bình ổn giá dầu?
Chia sẻ với tờ Bloomberg, chuyên gia hàng hóa và năng lượng Javier Blas cho rằng giá dầu thế giới có thể tiếp tục lên cao trong thời gian tới, nhưng có nhiều lý do ngăn cản giá chạm mốc 100 USD/thùng.
"Thực tế, kể từ cuộc không kích của Iran, không có gì thay đổi trong thế giới dầu mỏ" - Ông Javier Blas chia sẻ. Dầu thô Trung Đông đang chảy vào nền kinh tế toàn cầu mà không bị cản trở, và eo biển Hormuz, điểm huyết mạch của thế giới dầu mỏ, vẫn mở cửa vận chuyển. Mặc khác, Iran dường như không muốn căng thẳng leo thang, với đại diện nước này phát biểu: “Vấn đề này đã được kết thúc thỏa đáng” sau cuộc không kích. Về phía Israel, nước này đã chống chọi thành công cuộc không kích của Iran với lượng thương vong là không đáng kể. Vì vậy, chính quyền Israel có thể coi đây là một thắng lợi và hạn chế leo thang căng thẳng trong khu vực.
Cũng theo ông Javier Blas, nếu bỏ qua các vấn đề địa chính trị, cán cân cung - cầu trong thị trường dầu mỏ quốc tế đang là khá cân bằng. Về phía cầu, ngay cả dự báo bi quan nhất về nhu cầu dầu cũng cho thấy lượng dầu thế giới tiêu thụ vào năm 2024 sẽ ngang bằng với mức trung bình hàng năm là 1,2 triệu thùng/ngày. Các dự báo lạc quan hơn cho thấy mức tiêu thụ dầu cao hơn nhiều, trong khoảng 1,5 đến 1,9 triệu thùng/ngày.
Về phía cung, nhóm OPEC+ đang mạnh mẽ ổn định thị trường. Đứng trước việc giá dầu đang đạt mức trên 80 USD/thùng, vào cuối tháng 3, nhóm này đã lùi kế hoạch cắt giảm sản lượng dự tính vào quý một. Thậm chí, ông Javier Blas đang đặt kỳ vọng là nhóm sẽ tăng sản lượng tại cuộc họp tiếp theo, dự kiến vào ngày 1 tháng 6. Mặc khác, OPEC+ cũng có đủ năng lực sản xuất dự phòng để đề phòng chuỗi cung ứng dầu mỏ bị gián đoạn. Ba nước Saudi Arabia, UAE và Iraq đang sản xuất tồn kho khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiều hơn sản lượng hằng ngày của Iran.
Đặc biệt, yếu tố chính trị Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá dầu. Nếu Tổng thống Joe Biden thực thi các lệnh trừng phạt vào Iran, dẫn đến giá dầu tăng cao, thì cơ hội thắng cuộc bầu cử sắp tới của ông sẽ giảm đi đáng kể. Hơn nữa, nếu Iran bị trừng phạt, các thùng dầu của Nga sẽ ngày càng giành chiếm ưu thế trên thị trường. Thực tế, Nga đã bán dầu thô ở mức 75 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức trần 60 USD/thùng của Nhóm G7, do nguồn cung hạn hẹp trong thời gian gần đây. Vì vậy, trừng phạt Iran sẽ làm cản trở mục tiêu trừng phạt Nga của chính quyền Mỹ.
Hơn nữa, cũng không nên bỏ ngỏ khả năng Nhà Trắng sẽ khai thác Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược Hoa Kỳ vào cuối năm nay. Mặc dù chỉ bằng một nửa so với cách đây một thập kỷ, kho dự trữ dầu khoảng 365 triệu thùng của Mỹ vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể với nguồn cung toàn cầu. Tổng thống Joe Biden có thể lợi dụng căng thẳng ở Trung Đông để giải tỏa nguồn dự trữ và đẩy giá dầu xuống mức 80 USD/thùng, ngay cả khi OPEC + quyết định để giá dầu tăng lên 100 USD hoặc thậm chí là cao hơn.
Tình hình giá xăng dầu trong nước và quốc tế ngày 15/4/2024 Tính đến 14h30 ngày 15/4/2024, giá dầu thế giới có sự giảm nhẹ. Theo Oilprice, giá dầu WTI giao tháng 5 đang ở mức 84,79 USD/thùng , giảm 0,87 USD so với phiên mở cửa. Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 6 cũng giảm 0,79 USD, còn 89,66 USD/thùng. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 15/4/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 11/4 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm xuống mốc 23.848 đồng/lít; xăng RON 95 tăng lên mốc 24.821 đồng/lít. Trong phiên điều chỉnh lần này, giá dầu đồng loạt tăng. Cụ thể, giá dầu diesel tăng lên mốc 21.610 đồng/lít; dầu hỏa lên mốc 21.594 đồng/lít. Riêng đối với dầu mazut được điều chỉnh giảm 288 đồng/kg xuống mốc 17.008 đồng/kg |