Fitch xếp hạng tín nhiệm của Tổng công ty Truyền tải điện
Theo đó, kết quả xếp hạng của EVNNPT củng cố mức độ tín nhiệm và tăng cường tính minh bạch của tổng công ty, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Bước phát triển mới này cho phép EVNNPT đa dạng hóa các nguồn tài chính và phát hành trái phiếu quốc tế. EVNNPT hiện nay đang ở vị thế tốt hơn trong việc thực hiện sứ mệnh đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, và ổn định phục vụ nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc đạt được xếp hạng tín nhiệm phát hành nợ ngoại tệ dài hạn ở mức ‘BB’ với ‘Triển vọng ổn định’ và xếp hạng tín nhiệm đối với nợ không đảm bảo có ưu tiên trả trước (Senior Unsecured Debt) ở mức ‘BB’ của EVNNPT là tương ứng với xếp hạng quốc gia của Việt Nam và xếp hạng của công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tháng 6 năm ngoái. Xếp hạng độc lập của EVNNPT là ‘BB +’
Tiến sĩ Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho biết: “Mỗi năm EVNNPT cần khoảng 700 - 800 triệu USD để đáp ứng nhu cầu đầu tư theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 7. Xếp hạng tín nhiệm tích cực do Fitch công bố đã khẳng định vị thế tài chính vững mạnh của EVNNPT và tạo điều kiện thuận lợi cho EVNNPT trong việc thâm nhập vào thị trường vốn quốc tế để huy động vốn.”
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, mạng lưới truyền tải điện là xương sống của một hệ thống điện, giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện ổn định và bền vững cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Sau EVN, việc xếp hạng tín nhiệm tích cực sẽ giúp EVNNPT tiếp cận các nguồn vốn thương mại mới không có bảo lãnh của Chính phủ, để có thêm các đầu tư mới nhằm giải quyết các khó khăn của hệ thống truyền tải điện trong tích hợp và phát triển nguồn năng lượng điện gió, mặt trời.
Xếp hạng tín nhiệm độc lập của EVNNPT được xác lập trên cơ sở tổng công ty giữ vai trò độc quyền chi phối thị trường trong lĩnh vực truyền tải điện của Việt Nam; mức độ rủi ro thấp về giá và khối lượng trong phạm vi quy định của khuôn khổ pháp lý, nhờ đó giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận; khả năng hòa đồng rủi ro đối tác; và các khoản phải thu lành mạnh.
Khối Nghiệp vụ toàn cầu về năng lượng và khai khoáng của WB phối hợp với quỹ Hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Facility - GIF) tại Singapore đã đồng hỗ trợ về mặt kỹ thuật việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm, với hỗ trợ tài chính của Quỹ Tư vấn hạ tầng công tư (Public Private Infrastructure Advisory Facility - PPIAF). Hỗ trợ của WB bao gồm việc chỉ định Ngân hàng Mizuho tư vấn về công tác chuẩn bị cho việc thực hiện đánh giá và xếp hạng tín nhiệm.
Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong ba thập kỷ qua. Những cải cách kinh tế và chính trị trong chương trình Đổi mới khởi xướng vào năm 1986 đã thúc đẩy nhanh tăng trưởng và phát triển, đưa Việt Nam từ một trong những nước có thu nhập thấp nhất thành một quốc gia có thu nhập trung bình như hiện nay với mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.500 USD trong năm 2018. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu giúp Việt Nam củng cố các thành tựu này. Ngành điện đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua việc phủ rộng lưới điện gần như khắp cả nước và giảm tổn thất kỹ thuật và thương mại.