FED có động thái mới về lộ trình cắt giảm lãi suất
Còn có quá sớm để hạ lãi suất
Theo đó, phát biểu trước hội nghị Triển vọng Kinh tế khu vực năm 2024 của Bronx EDC và BICNY tại White Plains, New York, ông Williams cho hay: “Vẫn còn quá sớm để kêu gọi cắt giảm lãi suất trong bối cảnh ngân hàng này vẫn còn một khoảng cách xa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”.
Theo quan chức FED, cơ quan này đã nhìn thấy những tiến bộ trong việc khôi phục lại sự cân bằng cho nền kinh tế và giảm lạm phát, đồng thời cho biết công việc của FED vẫn chưa hoàn tất.
FED cho rằng còn quá sớm để hạ lãi suất |
“FED có thể sẽ cần duy trì quan điểm chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian để đạt được đầy đủ các mục tiêu của mình và sẽ chỉ nới lỏng chính sách khi lạm phát tiến gần tới mức mục tiêu 2%”, ông Williams nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Williams cho rằng, triển vọng kinh tế vẫn “rất không chắc chắn” và cho biết các quyết định về chính sách tiền tệ sẽ được đưa ra trong từng cuộc họp, dựa trên số liệu kinh tế nhận được, triển vọng đang phát triển và sự cân bằng rủi ro.
Trước đó, tại cuộc họp tháng 12/2023, các quan chức đã duy trì mục tiêu lãi suất ở mức 5,25-5,5%, đồng thời đưa ra một số gợi ý cắt giảm lãi suất trong năm 2024 trong bối cảnh đồn đoán sức ép lạm phát giảm sẽ tiếp tục giảm trở lại mục tiêu 2%.
Cuộc họp này đã khiến các thị trường phải đoán định lại về khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 3/2024, một quan điểm mà nhiều nhà đầu tư vẫn duy trì, ngay cả khi một số thống đốc chi nhánh tranh luận trong những tuần gần đây rằng còn quá sớm để nói khi nào việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra.
Lộ trình cắt giảm lãi suất chưa rõ ràng
Theo CME Group, các nhà đầu tư tin tưởng FED sẽ giảm lãi suất lần đầu vào tháng 3, sau đó tiến hành thêm 5 đợt khác cho đến cuối năm. Nếu các dữ liệu lạm phát mới, gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố vào ngày 11/1 và chỉ số giá sản xuất (PPI) vào ngày 12/1, không cho thấy những tín hiệu tốt về lạm phát, thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh hơn sau một khởi đầu khó khăn.
Đầu tuần này, Thống đốc Michelle Bowman cho biết, bà nghĩ chiến dịch tăng lãi suất có thể đã hoàn thành. Song, bà vẫn chưa sẵn sàng hạ lãi suất.
Trong khi đó, bà Lorie Logan, Chủ tịch FED chi nhánh Dallas chia sẻ, bà không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất một lần nữa.
Trụ sở FED tại Washington |
Theo quan chức này, việc các điều kiện tài chính nới lỏng hơn - chẳng hạn như đà tăng mạnh mẽ của giá cổ phiếu hay cú trượt dốc của lợi suất trái phiếu kho bạc - có thể khiến lạm phát bùng nổ trở lại.
“Nếu chúng tôi không tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính, có nguy cơ lạm phát sẽ tăng trở lại và đảo ngược những tiến bộ mà FED đã đạt được.... Chúng tôi không loại trừ khả năng tăng lãi suất lần nữa”, bà Logan chỉ ra.
Nhà kinh tế trưởng Joseph Brusuela của công ty tư vấn thuế RSM nhận định: “Chính sách của FED bây giờ là thắt chặt quá mức nếu xét tới mức lạm phát hiện nay và xu hướng giảm của lạm phát. FED rõ ràng đang chuẩn bị tư thế để tạo ra một tấm nệm đỡ cho nền kinh tế khi bước sang nửa sau của năm nay, bằng cách cắt giảm lãi suất, và tạo điều kiện để nền kinh tế tăng tốc trở lại vào cuối năm nay hoặc sang năm”.
Tuy nhiên, ông Brusuela cũng cho rằng, thị trường đang lạc quan quá mức khi chờ FED sẽ giảm lãi suất 6 lần trong năm nay. Thay vào đó, ông dự báo FED sẽ chỉ có 4 đợt giảm lãi suất trong năm 2024.
Cựu phó Chủ tịch FED Richard Clarida dự báo, các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng sẽ giữ thận trọng. Ông cho rằng, FED chỉ giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.
“Tiến trình giảm lạm phát đã diễn ra trong 6 tháng qua. Tin tức thì luôn có cả tin tốt lẫn tin xấu. Thị trường có thể đang hơi thoải mái về rủi ro lạm phát giảm chậm lại. Nhưng dữ liệu đang đi theo hướng có lợi cho nền kinh tế và ủng hộ sự thận trọng của FED”, ông Clarida nói.
Giáo sư Jeremy Siegel, người được mệnh danh là “Pháp sư Wharton” dự đoán FED sẽ hạ lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt. Ông đánh giá cao tín hiệu tích cực này cho thị trường tương lai. Tuy nhiên, ông lưu ý, việc cắt giảm hàng loạt có thể khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư lo lắng về suy thoái, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các công ty.
Ông Siegel giải thích, việc cắt giảm sâu lãi suất có thể khiến mọi người nghĩ rằng suy thoái thực sự đang xảy ra.
“Việc sẵn sàng cắt giảm quan trọng hơn việc cắt giảm. Tôi mong nền kinh tế tiếp tục phát triển và nếu nó tăng trưởng ở mức 5%”, ông Siegel nhấn mạnh.