EVFTA cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu năm 2023
Doanh nghiệp xuất khẩu không thể lơ là
Trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước EU đạt 83,4 tỷ USD, tăng trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016 - 2019.
Tính trong 11 tháng/2022 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%... Những con số ấn tượng này là kết quả mà Việt Nam đã đạt được sau hai năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng cơ hội của EVFTA, nắm bắt các quy định về xuất xứ, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. |
Cơ hội phát triển tăng trưởng xuất khẩu nói chung và vào thị trường EU nói riêng của các doanh nghiệp Việt Nam là không thiếu song giới quan sát hầu hết nhìn nhận rằng các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn không hề nhỏ. Đại dịch Covid- 19, cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ và điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu nói chung.
Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) - cho biết: Các rào cản từ EVFTA với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không nhỏ. Ngoài ngành hàng chủ lực là dệt may, da giày... những mặt hàng liên quan đến lâm sản đồ gỗ của Việt Nam muốn tăng trưởng xuất khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép Thỏa thuận đối tác tự nguyện; Quản trị rừng và lâm nghiệp, các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) và phát thải CO2…
Hay mới đây nhất các quốc gia thành viên EU thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại ngay trong năm 2023. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có giải pháp để chuyển hướng sang "net zero" nếu không muốn bị loại khỏi "cuộc chơi".
Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động và sẵn sàng ứng phó
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), bên cạnh việc đáp ứng điều kiện nhập khẩu của EU, vấn đề thuế quan cũng là một vấn đề các doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ trong năm 2023. Từ nhiều năm nay, EU đã và đang duy trì cơ chế Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo quy định của EU về GSP khi có hiệp định thương mại từ do (FTA), Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế GSP song song cùng Hiệp định EVFTA trong thời gian 02 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, nghĩa là đến hết 31/12/2022. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2023, cơ chế ưu đãi thuế quan GSP sẽ tự động chấm dứt, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Tuy nhiên, về mức thuế thì chúng ta vẫn được phép lựa chọn. Nghĩa là trong vòng 5 năm tiếp theo chúng ta được phép lựa chọn mức thuế nào ưu đãi hơn thì sử dụng, nhưng cơ chế về quy tắc xuất xứ là theo Hiệp định EVFTA. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hiểu rõ để tận dụng cơ hội của EVFTA như việc nắm bắt các quy định về xuất xứ, cũng như theo dõi lộ trình cam kết của các mặt hàng.
Ngoài ra, vấn đề tiêu chuẩn về lao động của thị trường EU trong hiệp định EVFTA cũng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng. Người lao động có nguy cơ mất việc làm do trình độ kỹ năng thấp, thế nhưng đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi để có cơ hội phát triển và được hưởng các điều khoản của hiệp định EVFTA. Cơ hội cho lao động Việt là chuyển giao chương trình đào tạo, mô hình đào tạo và đặt hàng với các trường nghề trong khu vực, chuyển giao công nghệ đào tạo.
"Để thực thi có hiệu quả hơn EVFTA trong thời gian tới, Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép, lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa về thông tin thương mại của thị trường EU thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, cần tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu"- bà Trang nói.