Duy trì mức tăng trưởng thương mại bán lẻ trên địa bàn Đắk Nông
Đa dạng giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, trong 2 tháng đầu năm 2020, tình hình thị trường hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ổn định và đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như đầu tư, giáo dục – đào tạo, dịch vụ du lịch… nên doanh thu hàng hóa, dịch vụ tháng 2/2020 giảm, ước đạt 1.252,54 tỷ đồng, giảm 11,9% so với tháng 1/2020.
Đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát |
Trái ngược với mức tăng của thương mại nội địa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh có sự suy giảm tương đối mạnh. Trong đó kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2 ước đạt 91,1 triệu USD, giảm 13,32% so với tháng 1/2020; Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2 ước đạt 16 triệu USD, giảm 23% so với tháng 01/2020.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới, dự báo thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ chịu nhiều tác động. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại, Sở Công Thương Đắk Nông đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo; trong đó tập trung nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời phản ánh, đề xuất giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho các dự án sớm đi vào hoạt động tạo giá trị tăng thêm.
Theo đại diện Sở Công Thương Đắk Nông, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới, xúc tiến thương mại để tìm kiếm các cơ hội mới là hoạt động quan trọng. Do đó, tỉnh đã lên kế hoạch triển khai thực hiện các đề án xúc tiến thương mại năm 2020 đã được duyệt nhằm tìm kiếm, phát triển thị trường cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngay sau khi dịch thuyên giảm và được khống chế không tái phát. Cụ thể, tổ chức đoàn tham gia Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020; Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2020; Hội chợ hàng Việt Nam tại Đắk Nông; Hội chợ khu vực Miền Bắc; Hội chợ khu vực miền Tây Nam Bộ…
Đặc biệt, xác định sự phát triển của doanh nghiệp sẽ tạo sức bật cho tăng trưởng thương mại, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Sở Công Thương năm 2020 đã được xây dựng nhằm trợ giúp các doanh nghiệp phát triển thị trường. Theo đó, Sở Công Thương đã hoàn thành Kế hoạch xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông năm 2020; Kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế; Đề án thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá có lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống phân phối trên thị trường.
Tỉnh cũng đang xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm nhằm tạo điểm kinh doanh ổn định, uy tín cho doanh nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao của tỉnh sẽ được kết nối để đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước và thông qua Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh đang phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ găm hàng, ngăn chặn việc buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là đối với mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, giao thương hàng hóa thông qua thương mại điện tử là một trong những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Do đó, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông năm 2020 đã và đang tích cực được triển khai nhằm duy trì, cập nhật sàn thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm, hàng hóa của tỉnh đến các nhà đầu tư, khách hàng trong nước và quốc tế.
Cần thêm các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa
Cùng với các giải pháp gỡ khó của địa phương, Sở Công Thương Đắk Nông cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới phương thức xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tiêu thụ các sản phẩm chủ lực tỉnh Đắk Nông như: tiêu, cà phê, hạt điều… hạn chế tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tham mưu Chính phủ cho chủ trương nâng cấp cửa khẩu Đắk Per (hiện nay là cửa khẩu chính) lên cửa khẩu quốc tế; đàm phán với Chính phủ Campuchia trong việc thúc đẩy phía bạn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông biên giới của nước bạn đến cặp cửa khẩu tiếp giáp với cửa khẩu Đắk Per Việt Nam và quan tâm ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại và dịch vụ tại khu vực cửa khẩu Bu Prăng và Đắk Per nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần đảm bảo Quốc phòng An ninh khu vực biên giới.
Với nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng, trong bối cảnh dịch bệnh gây khó khăn cho xuất khẩu, Sở Công Thương cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ tỉnh Đắk Nông xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhằm hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đến không chỉ người tiêu dùng trong tỉnh mà còn cả các tỉnh thành khác.