Thứ hai 23/12/2024 02:21

Được mùa, người trồng cà phê các tỉnh Tây Nguyên kỳ vọng được cả giá

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Được mùa, người trồng cà phê đang kỳ vọng sẽ giữ được giá như hiện tại.

Được mùa, người trồng cà phê phấn khởi

Hiện các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê của niên vụ 2021 – 2022 (trồng, chăm sóc từ cuối năm 2021 – tháng 10/2022). Ghi nhận tại các tỉnh trong khu vực, năm nay, cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng.

Năm nay, người trồng cà phê tại Tây Nguyên được mùa (Ảnh chụp tại rẫy cà phê hộ gia đình bà Trịnh Thị Lương)

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 98.000 ha cà phê,.. tập trung chủ yếu tại các huyện Đắk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê, Mang Yang, Chư Pưh.

Nhà bà Trần Thị Hòa (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) trồng 1 ha cà phê. Bà Hòa cho biết, năm nay mỗi cây cà phê cho thu hoạch khoảng 18 – 20 kg/cây. Sản lượng cà phê trên 1 ha của gia đình bà có thể cho thu hoạch từ 19 – 20 tấn quả tươi.

Gia đình bà Trịnh Thị Lương (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) trồng khoảng 1,7 ha cà phê. Bà Lương cho biết, với tỷ lệ chín đều hơn 85%, trung bình 1 ha cà phê năm nay cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả tươi. “Dự kiến kết thúc mùa vụ này chúng tôi thu được khoảng hơn 5 tấn cà phê nhân và đã có đầu ra ổn định cho sản lượng này”, bà Lương chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Tư - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) cho biết trên địa bàn huyện có khoảng 9.800 ha cà phê. Nhờ thời tiết thuận lợi, hạn hán không kéo dài, năm nay, người trồng cà phê tại huyện được mùa. Sản lượng cà phê đạt khoảng 3,2 tấn nhân/ha (mùa vụ hàng năm khoảng 2,8 – 3 tấn/ha) tăng khoảng 12% so với các mùa vụ trước.

Người dân thu hái cà phê

Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 29.440 ha cà phê. Giống như các địa phương khác của Tây Nguyên, năm nay, người trồng cà phê tại Kon Tum được mùa, được giá.

Nhà ông Khổng Tiến Long (xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) trồng hơn 1 ha cà phê. Năm nay, với 1 ha cà phê, ông Long dự kiến sẽ thu về hơn 20 tấn quả tươi, tương đương 4,5 tấn nhân, tỷ lệ cà phê chín khi thu hái đạt hơn 90%. “Năm ngoái, mỗi ha cà phê chúng tôi thu khoảng 18 tấn/ha, nhưng năm nay thu được hơn 20 tấn, sản lượng tăng rõ rệt. Chất lượng của chín đều cũng tăng”, ông Long nói.

Vùng Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) có tổng diện tích cà phê khoảng 639.000 ha (chiếm 92% tổng diện tích trồng cà phê của cả nước).

Kỳ vọng được giá

Ông Long vui vẻ cho biết, năm nay, người trồng cà phê phấn khởi vì bên cạnh được mùa cà phê hiện cũng đang được giá. “Giá thu mua đầu mùa hơn 9.000 đồng/kg qủa tươi, đến nay bước vào đại mùa thương lái đang thu mua với giá 8.500 đồng/kg. Giá cà phê nhân xô hiện hơn 40.000 đồng/kg, cao hơn so với năm trước. Nếu giữ giá ổn định như hiện tại nông dân sẽ có lãi tốt”, ông Long chia sẻ và nói thêm mặc dù không cố định đầu ra, nhưng cà phê đang được thương lái thu mua rất tốt, không lo đầu ra. Một điều thuận lợi trong vụ mùa năm nay đó là nhân công dễ thuê. “Nhiều người dân từ Quảng Ngãi lên đây làm hái cà phê thời vụ. Giá công trung bình vào khoảng 450.000 đồng/kg”, ông Long cho hay. Cũng theo ông Long, bất lợi lớn nhất của vụ cà phê vừa qua đó là giá vật tư nông nghiệp tăng rất mạnh. “Cũng may gia đình tôi định hướng trồng cà phê hữu cơ nên giảm được một phần tác động của việc tăng giá các vật tư nông nghiệp”, ông Long nói.

Nguồn nhân lực thu hái cà phê cũng dễ tìm hơn mọi năm

Tương tự, cà phê tươi của gia đình bà Hòa cũng đang được thương lái thu mua dao động từ 8.300 – 8.500 đồng/kg quả tươi. “Người trồng cà phê không phải lo đầu ra vì có đại lý, hợp tác xã thu mua. Được mùa, giá không bị o ép nên người trồng cà phê rất phấn khởi”, bà Hòa nói. Tuy nhiên, cũng theo bà Hòa, do giá các vật tư nông nghiệp tăng mạnh nên dù sản lượng, chất lượng tăng so với mọi năm nhưng lợi nhuận không tăng nhiều.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), một trong những yếu tố giúp cà phê năm nay được cả chất lẫn lượng đó là ý thức canh tác của người dân. “Người dân đã tự xác định được trồng cà phê phải đầu tư vì vậy khâu đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp đã rất chủ động. Ngoài ra, các chính sách của Nhà nước cũng hỗ trợ thông qua các mô hình khuyến nông, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo nước tưới. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ tái canh cà phê giúp người dân thay giống cũ”, ông Nguyễn Quốc Tư nói.

Tỷ lệ cà phê chín khi thu hái ở các vườn phần lớn đạt trên 85%

Ông Tư thông tin thêm, giá vật tư nông nghiệp tăng quá mạnh dẫn đến lãi của người dân giảm, dù vậy, người dân vẫn đầu tư. Bên cạnh đó, từ chính khó khăn khi giá vật tư nông nghiệp tăng “phi mã” người trồng cà phê đã chú ý hơn đến kỹ thuật sử dụng phân bón đúng cách, hiệu quả như canh thời tiết để rải phân hoặc hòa phân bón vào nước để hoà tan tưới gốc…. Nhờ đó, giúp nông dân tăng hiệu quả sử dụng phân bón lên đến 30%, tiết kiệm chi phí. “Mùa vụ cà phê năm nay đã cho thấy rõ việc người dân giảm bớt sử dụng và lạm dụng phân hóa học; cũng như có phương pháp sử dụng phân hóa học hiệu quả hơn”, ông Tư nói.

Để tăng chất lượng cà phê, đảm bảo việc thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cà phê đạt hiệu quả cao, tỉnh Đắk Lắk vận động tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%. Trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, mua bán cà phê non.

Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị liên quan tăng trưởng thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê để đảm bảo quyền lợi cho người trồng cà phê. Khuyến khích đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng chế biến cà phê. Nắm bắt giá cả, dự báo thị trường để kịp thời xử lý khi thị trường cà phê có những biến động bất thường.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Gia Lai

Tin cùng chuyên mục

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)

Bài cuối - Giải pháp đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững