Chủ nhật 27/04/2025 06:36

Đức có thể không cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine

Tin công nghiệp quốc phòng ngày 26/4: Đức không được cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine do sự hạn chế từ các công ty Hoa Kỳ cung cấp linh kiện quan trọng.

Hoa Kỳ muốn tăng cường sản xuất máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider; Đức không được cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine... là những nội dung của Bản tin công nghiệp quốc phòng hôm nay ngày 26/4.

Hoa Kỳ muốn tăng cường sản xuất máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider

Hoa Kỳ muốn có thêm máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider. Chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (STRATCOM) Anthony Cotton thừa nhận rằng, Không quân cần 145 máy bay ném bom mới.

Tạp chí The National Interest dẫn lời ông Cotton cho biết, "đội bay lý tưởng" của máy bay ném bom chiến lược Hoa Kỳ sẽ bao gồm 220 máy bay. Ông lưu ý rằng, điều này sẽ đủ để ứng phó với những thách thức trước mắt và các mối đe dọa toàn cầu.

"Để đạt được điều này, không quân sẽ cần phải mua 145 máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-21 Raider, thay vì 100 máy bay như hiện nay. Không quân hiện đang vận hành khoảng 140 máy bay ném bom chiến lược thuộc ba loại khác nhau: B-1 Lancer, B-2 Spirit và B-52 Stratofortress", ấn phẩm The National Interest viết.

Máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider. Ảnh: Defense News

Không quân Hoa Kỳ có kế hoạch cho nghỉ hưu các máy bay B-1 và B-2, chỉ để lại máy bay B-21 và máy bay B-52J được nâng cấp. Điều này sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa khả năng tàng hình và năng lực.

Vào đầu tháng 4/2025, 19FortyFive đã gọi động cơ Rolls-Royce F130 mới sẽ được lắp đặt trên máy bay B-52J nâng cấp là vũ khí bí mật của máy bay. Chúng sẽ tăng công suất và cải thiện hiệu suất nhiên liệu của máy bay ném bom thêm 30%.

B-21 Raider là máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ tiếp theo được thiết kế để đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của chiến tranh hiện đại. Máy bay này sẽ thay thế các nền tảng cũ như B-1 Lancer và B-2 Spirit, vốn đã đóng vai trò là “xương sống” của đội máy bay ném bom không quân Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Raider hiện thân cho một loạt các công nghệ tiên tiến. Khả năng tàng hình của máy bay cho phép nó xâm nhập vào các không phận được bảo vệ nghiêm ngặt, trong khi thiết kế kiến trúc mở vẫn đảm bảo có thể tích hợp liền mạch các công nghệ mới nổi theo thời gian. Được trang bị để mang cả tải trọng thông thường và hạt nhân, máy bay ném bom B-21 là một phần quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Lầu Năm Góc, đảm bảo cho Mỹ duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy và thích ứng trong môi trường an ninh toàn cầu ngày càng phức tạp.

Hiện tại, chiếc B-21 Raider đầu tiên, được gọi là T-1, đang được thử nghiệm bay tại Căn cứ Không quân Edwards (AFB). Các thử nghiệm này rất cần thiết để đánh giá hiệu suất khí động học, khả năng tàng hình và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến của máy bay ném bom trong điều kiện thực tế. Trong khi đó, hai máy bay ném bom B-21 khác đang tham gia thử nghiệm trên mặt đất, bao gồm các thử nghiệm về tính toàn vẹn của cấu trúc; thử nghiệm tích hợp hệ thống để đảm bảo tính tương thích; chức năng của các công nghệ trên máy bay và khả năng mang theo vũ khí.

Phương Tây đánh giá cao “bộ đôi” pháo tự hành Malka và UAV trinh sát của Nga

Việc sử dụng máy bay không người lái để trinh sát và điều chỉnh hỏa lực làm tăng độ chính xác và hiệu quả của các đơn vị pháo tự hành (SAU) 2S7M Malka của Nga.

Công trình nghiên cứu pháo tự hành cỡ lớn đã được Tạp chí quân sự Army Recognition của phương Tây đánh giá: "Máy bay không người lái được sử dụng để xác định và truyền tọa độ của mục tiêu theo thời gian thực, cho phép các đơn vị pháo tự hành Malka nhanh chóng định vị, bắn loạt đạn hủy diệt và sau đó nhanh chóng rút lui trước khi kẻ thù kịp phản công".

Tác giả nhấn mạnh rằng hỏa lực của Malka, kết hợp với khả năng nhắm mục tiêu chính xác, cho phép thực hiện các cuộc tấn công có hiệu quả cao.

Pháo tự hành (SAU) 2S7M Malka. Ảnh: Lenta

Pháo tự hành Malka 203mm bắt đầu được sản xuất vào năm 1986. Khung gầm xích được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng ở độ sâu chiến thuật của đối phương. Đạn nổ phân mảnh Malki có sức nổ mạnh mang theo hơn 17kg thuốc nổ.

Tháng 3/2025, Tạp chí Forbes của Mỹ cho biết, Ukraine đã gần cạn kiệt nguồn dự trữ đạn pháo 203 mm, loại đạn được sử dụng trong pháo tự hành 2S7 Pion của Liên Xô.

Đức không được cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine?

Hoa Kỳ đã yêu cầu Chính phủ Đức không chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho quân đội Ukraine. Hai công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, thông qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cho Berlin về lệnh cấm cung cấp các tên lửa này cho Ukraine do chúng có chứa các thành phần quan trọng.

Do đó, chính trị gia Friedrich Merz, người nhiều khả năng sẽ nhậm chức Thủ tướng Đức vào ngày 6/5 này, sẽ không cung cấp tên lửa cho Lực lượng vũ trang Ukraine để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Ảnh: Topwar

Tuy nhiên, khi đưa ra tuyên bố về khả năng cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev, ông Merz đã tự cho mình cơ hội rút lại lời hứa bất cứ lúc nào, khi lưu ý rằng ông sẽ chỉ thực hiện bước đi này nếu được các nước khác chấp thuận.

Về vấn đề này, đại diện của Ukraine tại Liên hợp quốc và cựu đại sứ tại Đức Andriy Melnyk tuyên bố rằng Kiev sẽ có thể giữ xung đột với Nga cho đến năm 2029 nếu Đức và các đồng minh phương Tây khác tiếp tục cung cấp tài trợ và cung cấp vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Kim Ngân
Bài viết cùng chủ đề: tên lửa Kornet

Tin cùng chuyên mục

Nhật Bản phát triển pháo ray điện từ dành cho hải quân

Quân đội Nga sẽ đẩy mạnh ứng dụng AI trong chiến đấu

Hoa Kỳ nâng cấp radar mới cho hệ thống tên lửa Patriot

Hoa Kỳ phát triển tàu ngầm không người lái lặn xa tới 1000 hải lý

Nga nhận thêm máy bay 'Thú mỏ vịt', Đức lo ngại về tên lửa hành trình Taurus

Nga tạo ra 'vũ khí' vô hiệu hóa tác chiến điện tử

Tên lửa Iskander được coi là vũ khí 'sát thần' tại Ukraine

Hoa Kỳ thử nghiệm đội hình robot tác chiến người - máy

Hoa Kỳ hiện đại hóa xe tăng Abrams

Vệ tinh Starlink ' bị hủy diệt' bởi tác chiến điện tử của Nga

Binh sĩ Ukraine lo ngại vũ khí viện trợ thiếu hiệu quả

Tổng thống Nga hé lộ về vũ khí hải quân mới

Pháp phát triển hệ thống pháo phản lực tầm bắn vượt đại dương

Việt Nam sắp có ray thép cho đường sắt tốc độ cao và công nghiệp quốc phòng

Hải quân Hoa Kỳ trang bị thêm tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới

Hoa Kỳ công bố thông tin về tên lửa siêu vượt âm Dark Eagle

Hoa Kỳ lần đầu trang bị tàu ngầm không người lái dưới nước

Lộ diện 'sát thủ diệt tăng' hiệu quả nhất của Nga

Hoa Kỳ chỉ ra “xe tăng biểu tượng” bất khả chiến bại của Nga

Anh khó sở hữu 'đối trọng' của siêu tăng T-14 Armata