Đưa khoa học đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ
Thanh long ruột đỏ Bà Rịa - Vũng Tàu đang rất được ưa chuộng
- Nền tảng của thành công
Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng kinh tế năng động nhất của cả nước. Đây là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế và dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP cũng như nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội khác. Hàng năm, toàn vùng đóng góp gần 60% khoản thu ngân sách của cả nước, các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM luôn là những nơi dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn 2011-2013, theo thống kê từ báo cáo của các Sở KH&CN, các địa phương trong vùng đã triển khai 696 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học nông nghiệp; khoa học y dược; khoa học kỹ thuật và công nghệ. Các đề tài, dự án được xây dựng và triển khai thực hiện đã bám sát các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh/thành phố, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH của địa phương.
Một số kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn như: Đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu và biên hội loạt bản đồ địa chất công trình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”; "Điều tra chỉnh lý bản đồ đất, xây dựng bản đồ đánh giá đất đai 1/50.000, đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất tỉnh Bình Dương"; “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bù Gia Mập” của tỉnh Bình Phước.
Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động KH&CN của các tỉnh, thành phố trong Vùng đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt đến các cơ sở sản xuất, hộ nông dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; xây dựng mô hình từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, nuôi cấy mô thực vật một số cây trồng nông nghiệp đặc thù góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn của địa phương. Điển hình là các đề tài, dự án: “Xây dựng cây trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, đã cho doanh thu hơn 550 triệu đồng với tổng sản lượng là 28,780 tấn/2ha. Hiện tại quả thanh long ruột đỏ bước đầu đã tìm được đầu ra ổn định trên thị trường.
Hay như dự án "Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển cây cà phê bền vững theo hướng GAP" của tỉnh Bình Phước; nhờ ứng dụng các giống và quy trình chăm sóc mới, năng suất ở các mô hình cà phê GAP đã cao hơn so với cách trồng cũ, trung bình mỗi cây cho trên 8 kg quả tươi, tức là trung bình mỗi ha đạt 1.760kg nhân. Chi phí đầu tư theo mô hình cũng thấp hơn, tỷ lệ sâu bệnh giảm đáng kể, tỷ lệ đậu quả tăng lên, lợi nhuận về kinh tế của các mô hình đạt trung bình gần 73 triệu đồng/ha, cao hơn cách trồng cũ 21,5 triệu đồng/ha....
Những thành công trên chỉ là một trong hàng trăm đề tài, dự án ứng dụng KH&CN được vùng Đông Nam Bộ triển khai trong thời gian vừa qua.
Tiếp tục đầu tư
Từ năm 2011-2013, tổng kinh phí chi đầu tư phát triển KH&CN cho các tỉnh/ thành phố trong Vùng là 2.285 tỷ đồng (kinh phí thực hiện được hơn 1.721 tỷ đồng) và tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN cân đối qua ngân sách địa phương đạt trên 1.341 tỷ đồng (kinh phí thực hiện được trên 938 tỷ đồng).
Để KH&CN tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương phải quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn cả về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất và đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ ttiến tiến, hiện đại vào thực tiễn sản xuất và đời sống, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, bên cạnh kinh phí do trung ương hỗ trợ, Vùng Đông Nam Bộ đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cho KH&CN đặc biệt là việc huy động doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, để sớm đưa quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố hoạt động hiệu quả.
Ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết: Thấy được vai trò và tầm quan trọng của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế đất nước cũng như lợi ích của việc xã hội hoá đầu tư cho KH&CN. Vì vậy, trong thời gian qua, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã quan tâm đến công tác xã hội hoá đầu tư cho KH&CN.
Việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN đã được thực hiện tại 6/8 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ gồm: Bình Dương, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Quỹ phát triển KH&CN bước đầu đã mang lại hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN vay để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, các dự án sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hướng dẫn các doanh nghiệp, công ty dành 10% lợi nhuận trước thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động KH&CN.
Cùng với việc đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho KH&CN, trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng tiếp tục đầu tư, chú trọng tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất cho ngành KH&CN, xây dựng và đầu tư chiều sâu cho các tổ chức KH&CN; đặc biệt là quan tâm đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Ứng dụng KH&CN và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Đông Nam Bộ là vùng trọng điểm phát triển kinh tế và dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Trong thành tích phát triển chung ấy, không thể không kể đến đóng góp quan trọng của hoạt động KH&CN. Để tiếp tục phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, con người của các tỉnh, thành phố trong vùng, hoạt động KH&CN cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong sản xuất và đời sống.
Theo truyenthongkhoahoc.vn