Dư nguồn cung xi măng còn tiếp diễn trong năm 2023
Vì sao tiêu thụ sản phẩm xi măng giảm?
Theo Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng), xuất khẩu xi măng, clinker 9 tháng năm 2022 giảm mạnh, chỉ còn 24,75 triệu tấn, trị giá gần 1,1 tỷ USD, giảm tương ứng 25,6% và 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu xi măng tiếp tục gặp khó khiến áp lực tiêu thụ đặt nặng lên thị trường nội địa |
Sự sụt giảm xuất khẩu của ngành xi măng, clinker không phải là điều quá bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Dù sản lượng và trị giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng do năm 2021, ngành có mức tăng xuất khẩu khá thần tốc (trên 45 triệu tấn), nên ngành này vẫn nằm trong nhóm 32 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Dư cung lớn và phụ thuộc vào xuất khẩu là thực tế của ngành xi măng trong những năm gần đây. Với quy mô công suất sản xuất hàng năm trong 2 năm gần nhất đều trên 100 triệu tấn, trong khi thị trường nội địa chỉ hấp thụ hơn 60 triệu tấn, nên một lượng lớn xi măng, clinker trông chờ vào kênh xuất khẩu.
Việt Nam là nước có sản lượng xi măng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, với khả năng sản xuất khoảng 130 triệu tấn xi măng/năm. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, bởi khi khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa dưới 65 triệu tấn/năm.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) Nguyễn Quang Cung thừa nhận, thách thức lớn của ngành hiện tại là tình trạng mất cân đối cung - cầu. Cụ thể, tổng công suất thiết kế hiện nay của ngành xi măng là 107 triệu tấn (thực tế có thể sản xuất nhiều hơn mức này), trong khi tiêu thụ nội địa những năm gần đây không những không tăng, mà còn có xu hướng giảm.
Sau năm 2021 lập kỷ lục về xuất khẩu gần 46 triệu tấn, xuất khẩu những tháng gần đây đã sụt giảm mạnh do Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính clinker giảm nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường lớn thứ hai là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao, kèm theo thuế chống bán phá giá trên 10% được áp dụng với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam.
Xu hướng xuất khẩu giảm khiến các nhà sản xuất xi măng trong nước rất lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sản xuất clinker tăng rất mạnh. Lượng hàng tồn kho trong cả nước hiện xấp xỉ 6 triệu tấn nguyên liệu (chủ yếu là clinker), tương đương 25 - 30 ngày sản xuất.
Tuy nhiên, ở góc độ định hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng, việc cân đối sản lượng xuất khẩu trên quy mô ngành là điều phải được tính đến để có sự điều chỉnh phù hợp. Xi măng, đặc biệt là clinker, là ngành sản xuất thâm dụng tài nguyên, nên xuất khẩu xi măng, clinker đồng nghĩa với xuất khẩu tài nguyên không tái tạo.
Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã quy định rõ, hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo, trong đó khống chế tỷ lệ xuất khẩu khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế. Đối chiếu với quy mô công suất ngành hiện tại, thì sản lượng xuất khẩu chỉ khoảng 35 triệu tấn.
Năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức cao (khoảng 107 triệu tấn và hoàn toàn có thể gia tăng sản xuất lên gần 130 triệu tấn nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia). Với sản lượng lớn như vậy, khi xuất khẩu sụt giảm, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với bài toán tồn kho, dẫn đến hạn chế dòng tiền.
Cần giải pháp khắc phục tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”
Tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt trong ngành xi măng sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ngành xi măng Việt Nam đang ở trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”. Đó là dư thừa nguồn cung xi măng khi công suất sản xuất vượt quá nhu cầu thị trường nội địa và thiếu nhà máy xi măng quy mô lớn.
Tại thị trường trong nước, mới đây đã có thêm dây chuyền xi măng thứ 4 thuộc Nhà máy xi măng Long Sơn đi vào hoạt động, bổ sung thêm nguồn cung khoảng 2,5 triệu tấn xi măng/năm. Đáng nói hơn là, dự án này đặt tại Thanh Hóa - địa phương đang “bội thực” xi măng với nhiều nhà máy lớn đặt tại đây, nâng quy mô công suất xi măng tại tỉnh này lên gần 30 triệu tấn/năm.
Lãnh đạo Công ty Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa) nhìn nhận, với quy mô công suất lớn như hiện tại, thị trường nội địa có hạn, ngành xi măng vẫn phải tập trung khai thác thêm các thị trường xuất khẩu mới.
“Việc xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, khi chính sách ở mỗi nước khác nhau, nhiều thị trường áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu”, lãnh đạo Công ty Xi măng Nghi Sơn nêu nguyên nhân.
Một vấn đề nữa mà ngành xi măng phải đương đầu trong năm nay và năm 2023 là xuất khẩu khó hơn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, áp dụng các hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển cao...
Ngoài ra, theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, sẽ điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo.
Khi thuế, phí nhiều lên, giá xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn, nên các quốc gia nhập khẩu càng phải tính toán nhiều hơn để lựa chọn nhập khẩu từ quốc gia nào có lợi nhất.
Dự báo đối với thị trường xi măng trong nước, hiện thị trường bất động sản, bất động sản khu công nghiệp đang hồi phục sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ xi măng những tháng cuối năm.