Du lịch Vĩnh Phúc: ‘Hút’ khách nhưng tại sao chưa ‘hút’ tiền?
Tiềm năng bị bỏ ngỏ
Tại buổi thông tin tình hình kinh tế-xã hội tới cán bộ trong tỉnh Vĩnh Phúc tháng 8 năm 2024, một trong nội dung mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh, đó là: “ Tỉnh chưa có nhiều sản phẩm du lịchđặc sắc, doanh thu của ngành du lịch rất thấp Năm 2022, tỉnh có 8,2 triệu lượt khách với mức doanh thu 3.282 tỷ đồng; năm 2023 có 9,3 triệu lượt khách với doanh thu 3.610 tỷ đồng; trong 6 tháng năm 2024, tỉnh có 5,89 triệu lượt khách, với mức doanh thu chỉ đạt 2.280 tỷ đồng. Qua đó, có thể tính được mỗi khách du lịch đến Vĩnh Phúc chi tiêu khoảng 370 - 400 nghìn đồng. Đây là con số bất ngờ được thống kê từ các cơ quan chức năng.
So sánh với một số tỉnh khác, như tại Lào Cai, du khách chi tiêu bình quân 3,1 triệu đồng; Đà Nẵng là 3,8 triệu đồng, Thừa Thiên Huế là 2,1 triệu đồng, những con số cho thấy gấp nhiều lần so với Vĩnh Phúc… Dù mức chi tiêu của du khách khi đến Vĩnh Phúc chưa được thống kê đầy đủ, nhưng ở mức quá nhỏ như vậy thì có thể nói rằng, hiệu quả mang lại của ngành du lịch đối với nền kinh tế của tỉnh chiếm một tỷ trọng quá khiêm tốn, không tương xứng với tiềm năng, sự đầu tư…
Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được tổ chức World Travel Awards vinh danh là Thị trấn điểm đến du lịch ấn tượng hàng đầu thế giới. Ảnh: Thu Thủy |
Vĩnh Phúc nổi tiếng với nhiều địa danh: Khu du lịch Tam Đảo có khí hậu mát mẻ quanh năm, được công nhận là khu du lịch quốc gia, được tổ chức World Travel Awards vinh danh là Thị trấn điểm đến du lịch ấn tượng hàng đầu thế giới; khu di tích danh thắng Tây Thiên - nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam được công nhận là khu di tích đặc biệt cấp Quốc gia; khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải phong cảnh hấp dẫn nằm trong Top 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh. Cùng với đó, hệ thống các sân Golf của Vĩnh Phúc đều được đánh giá có thiết kế độc đáo, mang tầm Quốc tế như: Tam Đảo, Ngôi sao Đại Lải, Đầm Vạc, Thanh Lanh mà Vĩnh Phúc còn rất nhiều điểm du lịch rừng núi, thác, hồ… cùng thiên nhiên kỳ thú (Vườn Quốc gia Tam Đảo, Tam Đảo 2, Thác mưa, Thác bay, Thác Vĩnh Ninh...) vẫn chưa được đầu tư khai thác làm du lịch nhưng đã hút khá đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan, khám phá, trải nghiệm.
Nhiều cảnh quan thơ mộng, kỳ thú ở Vĩnh Phúc còn chưa được khai thác. Ảnh Thu Thủy |
Nhìn trên bản đồ du lịch, không thể phủ nhận kho tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ưu ái đã hào phóng ban tặng cho Vĩnh Phúc, song, để nó trở thành điểm nhấn chất lượng, không ngừng tạo ra khác biệt là dấu ấn đối với du khách thì Vĩnh Phúc vẫn chưa làm được. Ví như, khu du lịch Tam Đảo núi đã bị "bóp nghẹt", làm biến dạng bởi bê tông hoá thái quá với các công trình xây dựng đồ sộ, choán hết không gian đô thị. Tam Đảo 2, sau hơn 10 năm khởi công vẫn ì ạch, bê trễ; Vườn Quốc gia Tam Đảo là kho báu làm du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá, du lịch mạo hiểm vẫn là một ao ước; khu danh thắng Tây Thiên do vướng khâu giải phóng mặt bằng nên vẫn còn nhiều hạng mục dang dở…Nếu như tất cả những tài nguyên du lịch mà không trở thành các dấu ấn khác biệt, chất lượng cao khi được đầu tư thì mọi đáp số vẫn còn bỏ ngỏ.
Loay hoay tìm hướng đi
Theo ngành du lịch Vĩnh Phúc, số lượng du khách đến với Vĩnh Phúc trong nhiều năm trở lại đây liên tục tăng cao, nhưng doanh thu hầu như không tăng, luôn đứng ở mức rất thấp. Nghịch lý này khiến du lịch Vĩnh Phúc rơi vào tình trạng “có mỏ vàng mà không biết khai thác”, không "đánh thức" được các tiềm năng du lịch, lãng phí tài nguyên du lịch, mặc dù tỉnh sớm có Nghị quyết, có Chương trình hành động phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo số liệu thống kê trong các năm 2022, 2023 và 6 tháng 2024, kết quả xếp hạng du lịch Vĩnh Phúc đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố về số lượt khách du lịch; đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố về doanh thu du lịch.
Du lịch Vĩnh Phúc còn mang tính mùa vụ. Ảnh Thu Thủy |
Nhìn vào thực tế, Vĩnh Phúc chưa có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao (số các cơ sở lưu trú có đẳng cấp từ 4 sao trở lên chỉ chiếm 1% trên tổng số các cơ sở lưu trú). Trong khi đó, các tỉnh, thành có doanh thu cao từ dịch vụ du lịch thường loại hình cơ sở lưu trú 4-5 sao phải chiếm 5-10%. Thực trạng đó, dĩ nhiên tạo ra sự mất cân bằng giữa những khu nghỉ dưỡng cao cấp và các điểm du lịch bình dân, nên tuy lượng khách du lịch nhiều, nhưng doanh thu không thể tăng cao.
Khách đến du lịch Vĩnh Phúc ngày càng đông nhưng lượng chi tiêu còn thấp. Ảnh Thu Thủy |
Cho đến nay, du lịch Vĩnh Phúc vẫn mang tính mùa vụ rõ nét, chủ yếu vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết, chưa phải là điểm đến du lịch bốn mùa. Thiếu vắng hình thức, ý tưởng du lịch độc lạ, mang tính khác biệt để lại dấu ấn… Hiện trạng đó ảnh hưởng mạnh tâm lý của doanh nghiệp, doanh nhân làm du lịch, dịch vụ, đôi khi bị lạm dụng, biến dạng trở thành chụp giật, thiếu chuyên nghiệp, ăn sổi. Số lượng khách lưu trú còn thấp, chỉ chiếm 25% trên tổng số lượt khách đến Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc còn thiếu các cơ sở dịch vụ mua sắm cho khách du lịch như các “Store outlet”, cửa hàng lưu niệm; đồng thời, còn ít sản phẩm lưu niệm, quà tặng thật sự đặc sắc để du khách không ngần ngại mở hầu bao!?
Trước đó, ngày 13/6/2024, trong Quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến 2045 của Thủ tướng Chính phủ, trong định hướng phát triển và liên kết phát triển du lịch theo các vùng kinh tế - xã hội được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia (vùng Trung du miền núi phía Bắc) không có tên Vĩnh Phúc. Nhìn nhận sâu về du lịch của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp và có chiến lược cụ thể để phát triển du lịch của tỉnh đạt hiệu quả hơn. Nếu thực trạng này vẫn tiếp tục kéo dài cũng như thiếu hành động cụ thể, du lịch Vĩnh Phúc vẫn chỉ là “nàng công chúa ngủ trong rừng”, chưa thể thu được những giá trị từ thế mạnh nổi trội của một tỉnh công nghiệp.