Du lịch trực tuyến đang là xu thế tất yếu
Mạng xã hội đang truyền cảm hứng đi du lịch
Số liệu từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện tỷ lệ truy cập internet ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 48%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của các khu vực còn lại là 62%; tỷ lệ các hộ gia đình tiếp cận du lịch trực tuyến của 12 nước trong khu vực thấp nhất là Ấn Độ 34%, cao nhất là Nhật Bản 93%, Việt Nam là 66%. Tuy nhiên ở khu vực này, lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến đã phổ biến với 80% các tour du lịch được tổ chức sử dụng các hoạt động trực tuyến.
Bên cạnh đó, qua khảo sát, người dân ở những nước có nền kinh tế đang phát triển đang chuyển thẳng sang sử dụng thiết bị di động thay vì tuân theo các ứng dụng của các nước phát triển đã xây dựng trên máy tính. Chất lượng thông tin của các trang web du lịch đang ngày một nâng cao, tạo điều kiện cho những người quan tâm đến du lịch truy cập ngày một nhiều hơn. Hiện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương 30% những người sử dụng internet thường xuyên truy cập các trang web du lịch.
Tỷ lệ tổ chức du lịch trực tuyến tăng cao đã khiến khách du lịch đặt tour truyền thống giảm mạnh, từ 82% năm 2015 còn 47% năm 2017. Một loạt các nền tảng đã cho phép tương tác kỹ thuật số trong cả 5 giai đoạn của quy trình lập kế hoạch du lịch, như: chọn điểm đến, xây dựng kế hoạch, đặt dịch vụ, trải nghiệm, chia sẻ… Mỗi giai đoạn đều có thể được hỗ trợ từ các tương tác kỹ thuật số, cho phép lựa chọn, tìm kiếm các dịch vụ, các điểm thăm quan, đáp ứng nhu cầu khám phá, nghỉ dưỡng của du khách.
Thông tin về điểm đến chủ yếu được khách du lịch tìm kiếm trên mạng internet |
Đặc biệt, việc chọn lựa mục tiêu của chuyến đi của du khách có tới 73% sử dụng nguồn trực tuyến, trong đó 35% dựa vào ý kiến đã đăng bởi các khách du lịch trước đó. Ảnh hưởng của các ý kiến trên mạng còn lớn hơn cả gia đình và bạn bè và với những người từ 18 - 24 tuổi, tỷ lệ này là 38%. Điều này cho thấy, người châu Á được truyền cảm hứng đi du lịch trực tiếp bởi những gì bạn bè họ đăng trên mạng xã hội.
Ngoài ra, việc lập kế hoạch đi du lịch, trung bình diễn ra trong 3 tháng với 259 lần nghiên cứu trực tuyến; đặt phòng khách sạn trên các nền tảng tin cậy tạo cho khách có niềm tin rằng họ đã lựa chọn khách quan, không bị thiệt thòi, đồng thời họ được khuyến khích đặt thêm các dịch vụ, kéo dài thời gian làm cho các điểm đến có lợi và khách du lịch được hưởng lợi từ giá thấp và dịch vụ tốt hơn.
Về trải nghiệm, mặc dù các chuyến đi được tối ưu hóa, nhưng với công cụ di động, khách du lịch tiếp tục khám phá các nội dung khác của điểm du lịch, tích hợp vào nền tảng kỹ thuật số các trải nghiệm và hoạt động của họ tạo cho nền tảng kỹ thuật số của điểm đến ngày càng phong phú hơn; 87% thanh niên trong khu vực coi điện thoại thông minh là vật dụng thiết yếu nhất cho du lịch.
Du lịch trực tuyến còn nhiều tiềm năng
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa thế giới bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội đã thay đổi cơ bản khi ứng dụng công nghệ hiện đại. Các khái niệm như internet vạn vật, blockchain, big data, trí tuệ nhân tạo đã ngày càng được phổ biến trong đời sống xã hội Việt Nam.
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, gắn liền với các yếu tố xã hội, do vậy du lịch sẽ là ngành ứng dụng nhanh chóng sự phát triển của công nghiệp 4.0, điển hình là phát triển du lịch trực tuyến. Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại, du lịch trực tuyến đã từng bước thay thế hoạt động của nhiều khâu trong du lịch và khẳng định là xu thế tất yếu của ngành du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch ban hành 2017 đã khẳng định du lịch cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại.
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2019, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% và tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới; quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Đánh giá từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong mô hình du lịch trực tuyến Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%) năm 2018. Dự kiến con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD, đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện quy mô thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực ASEAN và còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Do vậy, để có thể thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, theo ông Vũ Thế Bình, cần phải đầu tư vào mạng kỹ thuật số, như xây dựng được một hệ thống dữ liệu số cho các điểm đến, các sản phẩm du lịch, các dịch vụ và các thông tin cần thiết về du lịch Việt Nam nhằm cung cấp nền tảng thông tin trực tuyến phong phú nhất cho khách du lịch; khắc phục tình trạng thiếu kỹ năng triển khai nền tảng kỹ thuật số bằng việc đầu tư nâng cao kỹ năng sử dụng nền tảng trực tuyến và quản lý dữ liệu để đảm bảo sự cạnh tranh của doanh nghiệp, các điểm đến ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đầu tư cho đổi mới dữ liệu du lịch, nhận thức tầm quan trọng của dữ liệu như một công cụ phát triển du lịch.
Ngoài ra, ông Vũ Thế Bình cho rằng, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý tiếp cận hệ thống dữ liệu để kinh doanh và quản lý. Đầu tư cập nhật dữ liệu để hệ thống dữ liệu du lịch là chính xác và mới nhất; hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số đủ mạnh. Theo đó, hệ thống này sẽ tăng cường cơ hội cho các điểm đến và doanh nghiệp, các nhà quản lý trong đó bao gồm phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng di động, tạo sự hợp tác giữa bên liên quan để đảm bảo phát triển bền vững.