Du lịch Hà Nội tìm cách phá “rào cản” Covid-19
Khách nội địa là chủ đạo
Từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam vẫn chưa thể mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế; khách du lịch đến Hà Nội chủ đạo là khách nội địa. Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, năm 2021, Hà Nội ước đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36% kế hoạch đề ra. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng, bằng 40% tổng thu năm 2020 và bằng 23% kế hoạch đề ra.
Khách du lịch đến Hà Nội trong năm 2021 chủ yếu là khách nội địa |
Trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể kích hoạt trở lại bình thường, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm mới, tập trung thu hút khách du lịch nội địa như: Tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học, tour du lịch trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò...
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn thành phố chuẩn bị khởi động sản phẩm trong tình hình mới; các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Xác định sống chung an toàn với dịch Covid-19, ngành du lịch còn ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2021. Trong khuôn khổ chương trình liên kết hợp tác, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi xây dựng nội dung cẩm nang du lịch chung của 7 tỉnh, thành phố; tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp của Hà Nội với các địa phương…
Điều này đã cho thấy động thái tích cực của du lịch Hà Nội trong nỗ lực thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19.
Tiếp tục vượt “rào cản” Covid-19
Năm 2022, dự kiến khách du lịch đến Hà Nội đạt 10 -12 triệu lượt khách, bao gồm 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế và 8,8-10 triệu lượt khách nội địa; phấn đấu công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn trên 40 - 45%.
Để hoàn thành mục tiêu, Hà Nội sẽ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, gồm: Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; tổ chức thường xuyên hội nghị trao đổi về kỹ năng, ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp thành lập và triển khai quy hoạch, đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; triển khai chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch Thủ đô; xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch Hà Nội; hệ thống thông tin về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; hệ thống thông tin về thị trường du lịch Hà Nội; phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện tích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh...
Về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý du lịch trên địa bàn thành phố cho đối tượng đang làm công tác quản lý du lịch tại các quận, huyện, thị xã; tập huấn kiến thức quản lý nhà nước theo chuyên đề về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; nâng cao kỹ năng chuyên môn tuyên truyền, quảng bá, hợp tác, xúc tiến du lịch; tập huấn thống kê du lịch đối với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch tại các quận, huyện, thị xã; tập huấn về xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch cho cán bộ công chức các quận huyện, thị xã; các lớp văn hóa du lịch cộng đồng tại những điểm du lịch trọng điểm tại huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Đông Anh, Sóc Sơn...
Để công tác truyền thông đạt hiệu quả hơn, ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội - cho rằng, các địa phương cần kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại trong quảng bá để hấp dẫn du khách.
Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch; đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm phí, lệ phí các thủ tục, giảm ký quỹ kinh doanh đối với doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. |