Theo Bộ Y tế, dự kiến trong tháng 6 tới, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ bắt đầu triển khai tiêm thêm vắc xin mới IPV phòng bệnh bại liệt cho trẻ 5 tháng tuổi, song song với việc duy trì cho trẻ uống 3 liều vắc xin bại liệt OPV khi trẻ 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
Ảnh minh họa |
Hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thường xuyên tổ chức cho trẻ dưới 1 tuổi uống vắc xin (OPV) do Việt Nam sản xuất để phòng bệnh bại liệt với 3 liều vào các thời điểm trẻ 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi. Đây là loại vắc xin sống, giảm độc lực, tức là trong vắc xin có 1 lượng vừa đủ virus bại liệt đã được giảm độc lực, không đủ khả năng gây bệnh nhưng lại có khả năng kích thích cơ thể sinh miễn dịch phòng bệnh bại liệt.
Vắc xin OPV hiện nay gồm tam liên, tức là phòng cả 3 tuýp virus (tuýp 1, tuýp 2, tuýp 3) gây bệnh bại liệt. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh bại liệt do loại virus tuýp 2 đã được thanh toán tại rất nhiều quốc gia và nghiên cứu mới nhất cho thấy, loại virus tuýp 2 này trong vắc xin uống OPV tam liên có thể là nguyên nhân gây nên một số trường hợp liệt mềm cấp sau tiêm chủng xảy ra tại một số quốc gia khác.
Do vậy, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia quyết định loại bỏ virus tuýp 2 ra khỏi vắc xin bại liệt OPV tam liên, đồng thời tiêm thêm mũi vắc xin mới IPV khi trẻ 5 tháng tuổi. IPV là vắc xin bất hoạt, tức là trong vắc xin có kháng nguyên từ những con virus bại liệt đã chết.
GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: “Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, virus bại liệt hoang dại tuýp 2 đã được thanh toán. Do vậy, thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia về việc bỏ virus tuýp 2 ra khỏi vắc xin bại liệt uống, chúng ta sẽ sử dụng vắc xin bại liệt uống nhị liên, chỉ có tuýp 1 và túy 3. Song song với việc cho trẻ uống 3 liều vắc xin OPV nhị liên thì cũng sẽ sử dụng vắc xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi”.
Bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, lây từ người sang người qua đường tiêu hóa do nhiễm virus trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang virus bại liệt. Bệnh có thể gây tàn tật suốt đời hoặc tử vong.
Nhờ việc triển khai vắc xin bại liệt trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000. Tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn có thể xuất hiện trở lại nếu trẻ em không được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ.