Dự kiến có 21.800 cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện và cấp xã
Cần báo cáo, cân đối nguồn kinh phí sắp xếp cán bộ dôi dư
Sáng 22/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Trịnh Minh Bình - đoàn Vĩnh Long - cho biết, hiện nay, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được nguồn ngân sách và gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện.
Trước thực tế trên, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong thời gian tới có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ để giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, khi dự kiến phương án sắp xếp 47 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 13 đơn vị hành chính cấp huyện và dự kiến sắp xếp 1.247 đơn vị hành chính cấp xã thì sẽ giảm 624 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, tương ứng dự kiến sẽ có một số lượng cán bộ công chức dôi dư ở cấp huyện và cấp xã, cũng như cán bộ không chuyên trách dôi dư là 21.800 người.
Trong đó, cấp huyện dôi dư khoảng 1.200 người; cán bộ, công chức cấp xã dự kiến dôi dư là khoảng 13.100 người, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 7.100 người. Như vậy, số lượng dôi dư này giải quyết dứt điểm từ nay cho đến năm 2030.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Nội vụ đã tham mưu Nghị định số 29 về tinh giản biên chế, theo đó, đến thời điểm này, có 46/54 địa phương ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư. Nguồn kinh phí để các địa phương giải quyết chế độ, chính sách dôi dư rất lớn.
Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, theo phân cấp ngân sách thì các địa phương phải cân đối để bố trí nguồn kinh phí sắp xếp cán bộ dôi dư theo các Nghị định của Chính phủ cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đối với các địa phương không cân đối được ngân sách, cần sớm tổng hợp để Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ cấp ngân sách thanh toán nguồn kinh phí giải quyết tinh giản biên chế, trong đó có việc thực hiện chính sách dôi dư cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã.
Vì sao có những đơn vị hành chính không phải sắp xếp?
Trước đó, vào chiều 21/8, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, liên quan đến Báo cáo số 305 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 có nêu: “Còn 21/30 cấp huyện tỷ lệ 70%; còn 508/1253 cấp xã, tỷ lệ là 40,54% không thực hiện sắp xếp như đã đăng ký”.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân nào các địa phương không thực hiện và trách nhiệm thuộc về ai. Đồng thời, xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình như thế nào về vấn đề nêu trên.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, trong dự kiến phương án sắp xếp cho giai đoạn 2023-2025 chúng ta sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, có 49 đơn vị, trong số 49 đơn vị này có 18 đơn vị khuyến khích để sắp xếp và đối với đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sắp xếp là 1.247 đơn vị, trong số này có 111 đơn vị là khuyến khích sắp xếp và tổng số các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên thuộc 54 tỉnh, thành phố trong cả nước nằm trong diện phải sắp xếp.
Đúng như đại biểu phát hiện tại sao lại có 21 đơn vị hành chính cấp huyện không phải sắp xếp; tại sao lại có 508 đơn vị hành chính cấp xã không phải sắp xếp. Đây là những đơn vị hội tụ 1 trong 4 yếu tố đặc thù không phải sắp xếp theo đúng tinh thần Nghị quyết 35, trước đó là Kết luận 48 của Bộ Chính trị, thể chế bằng Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, Một là, có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối với đơn vị hành chính khác. Hai là, có địa giới hành chính đã hình thành ổn định từ năm 1945 đến nay, chưa có sự thay đổi. Ba là, đơn vị có vị trí quốc phòng, an ninh trọng yếu, có truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt. Bốn là, đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là đơn vị hành chính đô thị cho giai đoạn 2023-2030.
Nguyên nhân đây là những đơn vị đặc thù không phải sắp xếp. Như vậy, có nghĩa là các đơn vị đặc thù này địa phương đã đánh giá rất kỹ trong quá trình báo cáo với Hội đồng thẩm định đã xem xét và thấy hội tụ một trong các yếu tố đặc thù nêu trên.
Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn các địa phương khi đề xuất các đơn vị sắp xếp, như tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì số đơn vị hành chính phải sắp xếp ở cấp huyện có 2 đơn vị, số đơn vị hành chính cấp xã có 9 đơn vị. Để giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã thì Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một trong những đơn vị chấp hành rất nghiêm, trong đó không có đơn vị mang yếu tố đặc thù như ở trên.