Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Nhiều triệu USD sẽ được tiết kiệm
Cuộc họp quý IV |
Tại cuộc họp này, nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa công suất, cấu hình công nghệ, hiệu quả hiệu suất và Capex đã được AFW đưa ra.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng - Trưởng Ban quản lý DQRE: Nhà thầu AFW đã hoàn thành việc nghiên cứu và phát hành tất cả các báo cáo nghiên cứu công nghệ theo quy định của hợp đồng FEED. Trong đó, tại phân xưởng LCO-HDT nhà thầu xác định tất cả khí offgas của phân xưởng sẽ được xử lý ngay tại tháp T-2402 (của LCO-HDT) mà không đưa một phần sang xử lý tại phân xưởng DHDT. Khí có hàm lượng H2S 65 ppm sau khi xử lý tại T-2402 sẽ được phối trộn trực tiếp vào dòng khí nhiên liệu nhà máy để đáp ứng tiêu chuẩn 50ppm H2S. Việc này sẽ giảm chi phí đầu tư mà vẫn đáp ứng được quy định 50 ppmw cho toàn bộ hệ thống khí nhiên liệu của nhà máy khi một số nguồn offgas khác có hàm lượng H2S thấp hơn 50 ppmw.
Còn tại bể chứa dầu thô theo tính toán của phía nhà thầu, tổng thể tích bể dầu thô bổ sung sau NCMR được tính toán dựa trên nguyên lý 15 ngày vận hành bình thường cộng với 01 tàu dầu có thể tích lớn nhất (30.000 DWT tương đương khoảng 33.000 m3), như vậy tổng thể diện tích làm việc cần bổ sung là 253.000m3 được bố trí trong 4 bể, tổng mức đầu tư ước tính giảm khoảng 51 triệu USD. Trong khi đó tại các bể chứa trung gian, nhà thầu đã đưa ra phương án giữ nguyên lý chứa 4 ngày vận hành như nhà máy hiện hữu. Ngoài ra thể tích các bể trung gian hiện hữu được nâng lên tối đa bằng cách thay đổi cài đặt mức cho các bể với tổng cộng là 14 bể mới được bổ sung, ước tính tổng mức đầu tư giảm cho hạng mục này là khoảng 50 triệu USD.
Đặc biệt tại các bể chứa sản phẩm: Nhà thầu đã tối ưu hóa số lượng và dung tích bể chứa sản phẩm theo phương án dầu thô cơ sở bằng cách tăng tối đa sức chứa nhờ thay đổi cài đặt mức; thể tích làm việc của các bể sản phẩm tính theo phương án dầu thô cơ sở là 10 ngày vận hành cộng với 1 tàu có công suất lớn nhất được quy định trong hợp đồng FEED. Như vậy tổng cộng 8 bể sản phẩm mới được bổ sung (giảm 01 bể so với nghiên cứu trước); ước tính tổng mức đầu tư giảm 29 triệu USD.
Nhận xét về các phương án này, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR chia sẻ: Như vậy tổng mức chi phí tiết giảm khi tối ưu hóa bể chứa theo tính toán của Nhà thầu khoảng 130 triệu USD, ngoài ra nếu xem xét thêm phương án bố trí 4 bể dầu thô có thể tích nhỏ (2 bể trong 1 đê chống tràn) để tiết kiệm diện tích đất và chi phí san lấp núi đá, nhà thầu ước tính có thể tiết giảm thêm khoảng 18 triệu USD. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang xem xét báo cáo của nhà thầu tại hạng mục phân xưởng CDU/pre- flasher, AFW đã đưa ra phương án sẽ thiết kế tháp T-1151 có thời gian ngập khoảng 20 phút, việc thiết kế này dự kiến sẽ làm tăng chi phí CAPEX (ước tính khoảng 2 triệu USD). Hiện DQRE đang cùng với nhà thầu xem xét để báo cáo lên BSR, từ đó có quyết định lựa chọn phương án phù hợp nhất dựa trên kinh nghiệm vận hành thực tế và chi phí đầu tư tối ưu.
Tại cuộc họp lần này, nhiều nội dung của công tác thiết kế FEED như: Công tác khảo sát địa chất, hiện trường; Cập nhật thiết kế FEED cho các phân xưởng hiện hữu; Công tác thiết kế FEED hạng mục SPM... cũng như kế hoạch triển khai cho giai đoạn EPC cũng được BSR yêu cầu nhà thầu làm rõ và báo cáo tiến độ các hạng mục công việc. Về phía BSR, công ty cũng làm rõ các vấn đề mà AFW quan tâm để xây dựng chiến lược xây dựng và hợp đồng giai đoạn EPC. Sau khi có phiên bản cập nhật của AFW, BSR sẽ xem xét và trình PVN chiến lược triển khai hợp đồng EPC để đảm bảo các mục tiêu đặt ra của dự án.