Dự án điện gió Kê Gà: Cần nghiên cứu và có lộ trình triển khai hợp lý
Tạo bước đột phá
Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, Dự án điện gió Kê Gà với tổng công suất lên tới 3.400 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, có khả năng sẽ tạo bước đột phá mới cho công nghiệp năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.
Ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết: Trong mục tiêu của Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh thì tầm nhìn tới năm 2030, Việt Nam cần tới 20% sản lượng điện từ các nguồn NLTT (điện gió, điện mặt trời). Đây cũng là mục tiêu chiến lược phát triển NLTT của Chính phủ đề ra từ năm 2011 với nội dung khuyến khích, huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch (nhất là giảm phụ thuộc vào than đá nhập khẩu), góp phần bảo vệ an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế xanh bền vững.
Theo đánh giá của VEA, Việt Nam là nước có tiềm năng khá lớn về nguồn NLTT. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ mới tập trung khai thác tốt thủy điện, còn nguồn điện gió và mặt trời hầu hết đều có quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Qua nhiều năm, việc triển khai thực hiện các dự án NLTT đạt tỷ lệ còn thấp, chưa đầy 1% so với yêu cầu. Thực tế cũng cho thấy, các dự án sử dụng nguồn NLTT được phân bố rộng khắp cả nước, thời gian xây dựng nhanh. Như vậy, trong bối cảnh nhiều dự án nhiệt điện đang bị chậm so với tiến độ phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, việc tăng cường phát triển các dự án điện sử dụng NLTT chính là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2019-2020 và các năm tiếp theo.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia và nhà đầu tư, việc đầu tư xây dựng một cánh đồng gió ngoài khơi trên vùng biển có diện tích hơn 2.000 m2, cách xa đất liền khoảng 20 km tính từ mũi Kê Gà là dự án đầy triển vọng. Theo tính toán, các tuốc-bin có thể có công suất khác nhau, những tuốc-bin gió đầu tiên được xây dựng sẽ có công suất 9,5 MW. Tiếp đó, trong quá trình xây dựng dự án, công suất các tuốc-bin có thể tăng lên 10-12 MW hay thậm chí lớn hơn nữa. “Đây là dự án vô cùng tiềm năng, hiện đại và khả thi. Thành công của dự án sẽ cung cấp một lượng điện sạch rất lớn cho hệ thống điện của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai. Dự án thực sự sẽ tạo bước đột phá cho nền NLTT của đất nước”, ông Ngãi khẳng định.
Đại diện đơn vị đầu tư, ông Ian Hatton- Chủ tịch Enterprize Energy cho rằng, điện gió ngoài khơi của Việt Nam có chất lượng mang tầm thế giới và Việt Nam có sẵn năng lực về xây lắp nhờ ngành dầu khí, sẽ giúp tạo ra nguồn điện gió cạnh tranh so với các hình thức phát điện khác.
“Chúng tôi muốn nâng cao vị thế của Việt Nam trở thành nhà cung ứng xây lắp tầm cỡ khu vực, toàn cầu cho những cấu phần này. Dự án này giúp Việt Nam có nguồn năng lượng phát thải Carbon thấp, duy trì tăng trưởng kinh tế của mình”- ông Ian Hatton nói.
Cần phải có nghiên cứu đầy đủ để sớm triển khai dự án
Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để có thể kết nối vào được hệ thống điện quốc gia, dự án phải đảm bảo các yêu cầu như ổn định tần số, điện áp, phụ tải, nhằm kết nối vận hành an toàn và ổn định nhất.
Một yếu tố quan trọng nữa để đảm bảo dự án sớm triển khai là sau khi hoàn thành các thủ tục về phê duyệt quyết định đầu tư, cấp phép đầu tư, tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án, thì cần ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
“Vấn đề lớn cần quan tâm là Chính phủ, Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép các đơn vị chuyên ngành lập quy hoạch về phát triển điện lực bổ sung vào Tổng sơ đồ Điện VII hiệu chỉnh; xem dự án đường dây và trạm này là dự án quan trọng được ưu tiên; đồng thời phân tích, tính toán, chọn phương án lập đường dây và trạm với cấp điện áp 500kV để tải được nguồn điện gió có công suất 3.400 MW”, ông Ngãi nói.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin, về dự kiến phát triển điện gió ngoài khơi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận, Bộ Công Thương đánh giá rất cao về ý tưởng đầu tư một dự án ngoài khơi có quy mô lớn với công nghệ mới tỷ lệ nội địa cao. Tuy nhiên để phát triển dự án được thành công nhà đầu tư cần phải có nghiên cứu đầy đủ về các thủ tục pháp lý liên quan đến phát triển các dự án trên biển của Việt Nam. Trình tự nghiên cứu phát triển dự án lớn từ vệc bổ sung dự án vào quy hoạch điện Việt Nam đối với một dự án mới. “Cần nghiên cứu sử dụng biển một cách hợp lý để tránh chồng chéo đến giao thông hàng hải, cụ thể tuyến giao thông hàng hải quốc tế và trong nước trên khu vực mà dự án dự kiến đưa ra”- ông Nguyễn Văn Thành lưu ý
Theo PGS. TS. Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ đặc thù xây dựng trên biển của dự án điện gió Kê Gà, các yếu tố rủi ro có thể kể đến như vốn đầu tư dự án có thể bị phát sinh do thời gian thi công kéo dài…
“Các công trình điện gió lớn, vốn vay chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư, lãi vay lớn sẽ làm tăng giá trị hệ số chiết khấu tài chính. Cùng với đó là những rủi ro xoay quanh sản lượng điện bán ra, giá điện…”- PGS. TS. Nguyễn Minh Duệ chỉ ra.