Đột phá hạ tầng thúc đẩy kinh tế vùng TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu
Đây là những thông tin được chia sẻ tại tọa đàm “Đột phá hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu” do Báo Giao thông tổ chức ngày 22/12.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, diễn giả tại hội thảo, Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, là cửa ngõ và là cầu nối kinh tế của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách. Ước tính, toàn vùng Đông Nam bộ chiếm 18,6% dân số cả nước, đóng góp 38% GDP cả nước, 48% kim ngạch xuất khẩu, 40,73% ngân sách. Dù vậy, thời gian qua sự phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Trong đó, một trong những nguyên nhân được xác định là hạ tầng giao thông chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu phát triển. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Bá Thảo - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông (Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải) - cho biết: Việc kết nối giao thông đến các cửa ngõ quốc tế là yêu cầu rất cấp thiết để giảm thời gian, giảm chi phí. Giao thông được phân chia thành các hình thức vận tải. Trong đó, 3 tỉnh hội tụ các phương thức vận tải về hàng hải, hàng không, đường sắt, nhưng các phương thức này chưa kết hợp với nhau, bổ trợ cho nhau để phát triển.
Theo ông Thảo, hiện nay, tuyến QL51 vẫn đang quá tải. Bản đồ giao thông trong tương lai là TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai có 2 tuyến đường cao tốc. Trong tương lai khi có tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tháo gỡ được nút thắt của cửa ngõ.
Tuy vậy, ông Đinh Hồng Hà - Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - chủ đầu tư dự án mở rộng QL51) - cho biết: Mật độ giao thông trên QL51 hiện đã vượt xa công suất thiết kế. Theo thiết kế ban đầu tuyến QL51 có công suất 12.000 lượt xe/ngày đêm, đến cuối năm 2020, công suất trung bình đã tăng lên gấp ba lần. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trung bình mỗi ngày có gần 50.000 lượt xe qua trạm T2 (Long Thành, Đồng Nai).
Trước thực trạng này, ông Hà cho rằng, việc đầu tư các tuyến để chia sẻ cho QL51 là rất cấp thiết. “Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước đây Thủ tướng Chính phủ đã giao triển khai, chúng tôi đã bỏ 13 tỷ đồng để khảo sát, nhưng sau 10 năm rồi vẫn vậy. Về hình thức đầu tư đã xác định theo phương thức PPP nhưng thực tế rất khó khăn. Do vậy, nên chuyển sang hình thức đầu tư công mới tiến triển nhanh được”- ông Hà nói.
Cũng liên quan đến vốn, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, thời gian qua TP. Hồ Chí Minh cùng Bình Dương, Đồng Nai có chương trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhưng thành phố vẫn gặp khó khăn vì nguồn vốn hạn chế. Ông Bằng cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu phát triển qua Nhơn Trạch, Đồng Nai nhưng nguồn vốn là vấn đề khó khăn nhất.
“Vừa qua HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua nguồn vốn đầu tư xây dựng nút giao An Phú bằng vốn ngân sách, nhưng ngân sách thành phố cũng không đủ để đầu tư toàn bộ các dự án, nhất là các tuyến vành đai”- ông Bằng thông tin thêm.
Để có nguồn vốn thúc đẩy đầu tư hạ tầng cho vùng, TS Trần Du Lịch đề xuất cần mở cơ chế công tư đối tác và có cơ chế để hình thành định chế quỹ đầu tư vùng về hạ tầng. Ngoài ra cần có hội đồng vùng và huy động nguồn vốn làm đối tác để thu hút đầu tư cho toàn vùng.