Đồng Nai: Tuyên dương 10 doanh nghiệp đóng thuế xuất nhập khẩu nhiều nhất năm 2023
Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, năm 2023, tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) từ lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) của tỉnh đạt khoảng 19 ngàn tỷ đồng, bằng 83% chỉ tiêu được giao.
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, nguyên nhân số thu NSNN không đạt là do tình hình kinh tế khó khăn chung trên toàn thế giới. Doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, ảnh hưởng đến sự duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam một trong những DN có số thuế xuất nhập khẩu cao của năm 2023 - Ảnh: Nestlé |
Tuy nhiên, vượt qua những rào cản khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp, tập đoàn trên địa bàn quản lý đều chấp hành tốt pháp luật, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan thực thi chính sách, quy định nhà nước về lĩnh vực Hải quan. Trong đó, có những doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động ổn định, đóng góp vào NSNN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Cùng đứng top đầu về nộp thuế xuất nhập khẩu cao nhất Đồng Nai năm 2023 là 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc) và Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Tập đoàn Formosa của Đài Loan) với cùng số thuế xuất nhập khẩu mà mỗi công ty đã nộp là 776 tỷ đồng.
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, đây là những công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trên các lĩnh vực cung cấp các sản phẩm sợi, dệt, nhựa, nguồn nguyên vật liệu trong ngành công nghiệp dệt may như sợi spandex, nylon, sản xuất lốp xe ô tô…
Doanh nghiệp nộp thuế cao thứ 3 là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (cũng thuộc Tập đoàn Hyosung), với số thuế xuất nhập khẩu nộp NSNN năm 2023 là 630 tỷ đồng.
Sản xuất lốp xe của Công ty cao su Kenda Việt Nam - Ảnh: NH |
Ở vị trí thứ 4 và thứ 5 là các doanh nghiệp có vốn nhà nước: Chi nhánh Tổng công ty Điện lực - Dầu khí Việt Nam- Công ty CP, Ban quản lý dự án điện với tiền thuế là 450 tỷ đồng và Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp là 358 tỷ đồng.
Công ty CP Tập đoàn Long Thuận kinh doanh lĩnh vực năng lượng, vận tải… hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đóng góp 306 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 6.
Vị trí thứ 7 thuộc về Công ty TNHH Nestle' Việt Nam là 304 tỷ đồng. Theo đại diện công ty, tuy năm 2023 nhiều khó khăn và thử thách nhưng công ty đã thực hiện nhiều chương trình hành động hiệu quả, giúp đạt được những chỉ tiêu kinh tế đã đề ra. Đặc biệt, xuất khẩu tăng gần 62%, trong đó sản phẩm chủ lực là cà phê.
Ở vị trí thứ 8, Công ty Cao su Kenda Việt Nam tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom), thuộc Tập đoàn Kenda của Đài Loan với số tiền thuế là 260 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lốp xe (vỏ bánh xe) tại Đồng Nai được 26 năm.
2 công ty cuối cùng nằm trong trong tốp 10 doanh nghiệp thuộc về Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina với 253 tỷ đồng; Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam là 239 tỷ đồng.
Được biết, các công ty trên cũng nằm trong top 1 ngàn doanh nghiệp nộp thuế cao nhất Việt Nam các năm 2020-2022 vừa được Bộ Tài chính vinh danh.