Đồng Nai: 7 tháng, Quản lý thị trường xử lý gần 1.000 vụ vi phạm, thu ngân sách trên 6,6 tỷ đồng
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo về tình hình hoạt động của lực lượng trong tháng 7 và phương hướng, nhiệm vụ tháng 8/2024.
Theo đó, trong kỳ báo cáo, các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường, lượng cung hàng hóa dồi dào, phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Giá cả hàng hóa được giữ ổn định. Trong kỳ, tình hình trạm xăng dầu trên địa bàn hoạt động bình thường, có 4 lần thay đổi giá bán.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn còn diễn biến phức tạp.
Đội Quản lý thị trường số 5 đang giám sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai |
Về kết quả hoạt động kiểm tra thị trường, xử lý vi phạm, trong kỳ báo cáo tháng 7/2024, đơn vị đã kiểm tra 239 vụ việc (trong đó, kiểm tra định kỳ 75 vụ; kiểm tra đột xuất 149 vụ; kiểm tra chuyên đề 15 vụ). Lực lượng đã phát hiện 194 vụ vi phạm (trong đó 7 vụ kỳ trước chuyển sang; 1 vụ cơ quan khác chuyển sang), tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 1,2 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính trên 300 triệu đồng; tịch thu hàng hóa 40 vụ, trị giá hàng hóa tịch thu trên 180 triệu đồng.
Lũy kế đến tháng 7/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.092 vụ, xử lý 964 vụ (3 vụ kỳ trước chuyển sang; 57 vụ cơ quan khác chuyển sang; 1 vụ chuyển Tổng cục Quản lý thị trường; 1 vụ chuyển cơ quan khác). Cùng với đó, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 6,6 tỷ đồng.
Trong tháng, lực lượng Quản lý thị trường chuyển 1 vụ sang cơ quan điều tra xử lý. Tính chung 7 tháng, đơn vị đã chuyển 3 vụ sang điều tra.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, các vi phạm chủ yếu trong tháng bao gồm: Vi phạm về giá 88 vụ; vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ 39 vụ; vi phạm đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh 11 vụ; vi phạm nhãn hàng hóa 9 vụ; vi phạm hàng ngoại nhập lậu 8 vụ; vi phạm về hàng giả, xâm phạm bản quyền 3 vụ… Ngoài ra, các vi phạm khác 32 vụ việc.
Trong đó, một số lĩnh vực trọng tâm như: An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra 56 vụ, phát hiện 41 vụ và xử lý 43 vụ vi phạm (2 vụ kỳ trước chuyển sang). Đơn vị cũng đã kiểm tra 11 vụ liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, phát hiện 2 vụ vi phạm.
Về lĩnh vực khí LPG, CNG, LND, đơn vị đã kiểm tra 13 vụ, phát hiện 3 vụ vi phạm. Về kiểm tra lĩnh vực vật tư nông nghiệp đã kiểm tra 33 vụ, phát hiện 27 vụ vi phạm. Về mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dược phẩm đã kiểm tra 23 vụ, phát hiện 21 vụ vi phạm.
Đặc biệt, trong kỳ, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 31 vụ liên quan đến mặt hàng vàng. Ngoài ra, trong lĩnh vực thương mại điện tử đã kiểm tra và phát hiện 33 vụ vi phạm; xử lý 39 vụ việc (6 vụ kỳ trước chuyển sang), tổng số tiền phạt gần 580 triệu đồng.