Đồng bằng sông Cửu Long: Gia tăng mô hình kinh tế hiệu quả
Chuyển đổi cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL đã phát triển theo hướng “thủy sản - trái cây – lúa”, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, nâng cao giá trị gia tăng. ĐBSCL nay đã trở thành vùng đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây (sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước; tôm 0,623 triệu tấn, chiếm 70%; cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%).
Giới thiệu sản phẩm làng nghề tới du khách |
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu cũng được các tỉnh vùng ĐBSCL đẩy mạnh; các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC được tăng cường áp dụng. Công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao tỷ lệ chế biến; nhất là trong ngành thủy sản.
Đến nay, ĐBSCL đã hình thành nhiều vùng nuôi tôm tập trung (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng), cá tra (An Giang, Đồng Tháp) với quy mô lớn theo phương pháp thâm canh hiện đại, áp dụng công nghệ cao và từng bước bền vững về môi trường sinh thái, đạt giá trị sản xuất trên 10 tỷ đồng/ha. Toàn vùng ĐBSCL hiện có 200 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, chiếm 16% tổng số chuỗi cung ứng nông sản an toàn của cả nước, với 336 sản phẩm; có 206 thương hiệu nông sản, chiếm 24,2% và đứng thứ hai của cả nước, trong đó, có 171 sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu tập thể, 26 sản phẩm nông sản có nhận hiệu chứng nhận.
Mấy năm trở lại đây, trước những tác động của biến đổi khí hậu, để thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu theo hướng “thuận thiên”, ĐBSCL đã xây dựng được nhiều mô hình canh tác hiệu quả. Có thể kể đến: Mô hình lúa - tôm (Kiên Giang, Bạc Liêu); mô hình tôm - rừng sinh thái ở vùng ven biển (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng); mô hình đa canh kết hợp lúa – màu - chăn nuôi trên các vùng giồng cát ven biển, vùng nước lợ (Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mô hình trồng dứa thích ứng với xâm nhập mặn (Hậu Giang); mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, TP. Cần Thơ)... Nhờ những mô hình hiệu quả và không ngừng mở rộng, ĐBSCL tiếp tục là vùng chiếm kim ngạch xuất khẩu chủ yếu với các nông sản chủ lực như: Gạo, cá tra, tôm, trái cây…
Nhắc đến vùng ĐBSCL hôm nay, nhiều người còn nhớ tới những mô hình du lịch miệt vườn cây ăn trái đặc sản ở Bến Tre, Tiền Giang; du lịch sông nước, chợ nổi (Chợ nổi Phụng Hiệp - Hậu Giang, Chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang), du lịch các cồn trên sông, làng hoa Sa Đéc - Đồng Tháp, vùng trồng thốt nốt của An Giang…Những mô hình nêu trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương ĐBSCL. Trong 10 năm qua, tốc độ gia tăng thu nhập của người dân nông thôn ĐBSCL nhanh hơn so với tốc độ gia tăng thu nhập của người dân đô thị. Điều này chứng tỏ, một trong những thành tựu nổi bật của chương trình NTM là rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị.
Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn ở ĐBSCL năm 2019 là 1,41 lần (cả nước 1,8 lần). Đây cũng là cơ sở, nền tảng để nhiều địa phương vùng ĐBSCL sớm cán đích NTM. |