Đón năm Rồng, gắng “vượt vũ môn”
- VnEconomy giới thiệu góc nhìn của một số vị đại biểu Quốc hội trước thềm xuân mới Nhâm Thìn.
Chờ tín hiệu tích cực hơn TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM “Một năm trước, bước vào 2011 kinh tế vĩ mô đứng trước “bộ ba bất khả thi”: lạm phát , tỷ giá và lãi suất, Chính phủ đã áp dụng “toa thuốc đặc trị” là Nghị quyết 11, đã mang lại kết quả, nhưng căn bệnh “bất ổn vĩ mô” vẫn cứ đeo đuổi. Nay, đón xuân 2012 lại đối diện với hai mục tiêu mâu thuẫn gay gắt phải giải quyết: vừa phải kiềm chế tốc độ tăng CPI ở mức một con số, nhưng đồng thời phải giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp (thực chất là cứu nền kinh tế). Đây là vấn đề rất khó đang đặt ra cho bài toán kinh tế vĩ mô và đang là thách thức đối với Chính phủ. Dĩ nhiên, để giải quyết bài toán trên cần nhiều giải pháp, nhưng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cụ thể lúc này, thì chủ yếu vẫn là sử dụng chính sách tiền tệ. Nói theo ngôn ngữ dân gian là “quả bóng đang ở trong chân” của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên tín hiệu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về lãi suất đưa ra trong những ngày gần đây cho thấy vấn đề giảm lãi suất lại còn phụ thuộc vào kết quả xử lý thanh khoản của các ngân hàng thương mại (là điều kiện đủ), chứ không chỉ là yếu tố CPI (điều kiện cần), nên có lẽ doanh nghiệp cũng chưa thấy được “ánh sáng cuối đường hầm” khi đón chào năm mới. Mấy ngày gần đây một số cử tri là doanh nghiệp gặp tôi than thở: “Ông đại biểu ơi, đón năm con Rồng, nhưng chúng tôi khó vượt được “vũ môn” quá!”. Tôi hiểu, họ ví von truyền thuyết cá chép vượt vũ môn, do lòng da chẳng vui. Vì chưa thật sự tin về khả năng kiềm chế lạm phát ở một con số trong năm 2012, vừa lo lắng nếu tập trung kiềm chế CPI bằng biện pháp tiền tệ tiếp tục giảm tổng cầu thì doanh nghiệp sẽ đình đốn, không định hướng được kế hoạch làm ăn trong năm mới. Thanh khoản của ngân hàng thương mại đang nằm ở “tảng băng” bất động sản và chứng khoán, nên nếu hai tảng băng này tiếp tục đông cứng, thì không biết đến bao giờ có được “điều kiện cần” để giảm lãi suất? Trong 5 năm gần đây, ba thị trường tiền tệ, chứng khoán và bất động sản đã “kết dính” với nhau cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, nên nếu chính sách tiền tệ thoát ly thực tế này e rằng khó giải được cùng lúc hai mục tiêu mâu thuẫn nêu trên. Thị trường đang chờ đợi tín hiệu tích cực hơn về chính sách sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tín dụng và lãi suất để vừa có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng vừa có tác dụng làm ấm dần hai “tảng băng” chứng khoán và bất động sản ngay trong năm mới này”.
Từ trái sang: TS. Trần Du Lịch, TS. Trần Văn và đại biểu Mai Hữu Tín.
Vừa đủ thách thức, vừa đủ thành công… TS. Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội “Vừa đủ thách thức để bạn biết khiêm tốn. Vừa đủ thành công để bạn hăng hái hơn”… Tôi chợt nhớ câu thơ này khi năm mới 2012 vừa đến, với dư âm về những khó khăn của nền kinh tế vẫn như đang tiếp nối. Cũng nhớ rằng Thomas L. Friedman, tác giả của cuốn “Chiếc Lexus và cây ô liu” nổi tiếng đã nói về thách thức khách quan và thách thức nội tại đan xen trong một “thế giới phẳng” toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Cái chính là chúng ta đón nhận và đối mặt với những thách thức đó như thế nào. Khó khăn, thách thức, đương nhiên cũng hiện diện trong lĩnh vực tài chính quốc gia. Ngân sách nhà nước hàng năm của Việt Nam bây giờ khó có thể nói là nhỏ bé khi đã đạt ngưỡng một triệu tỷ đồng. Nhưng lại thật hạn chế so với nhu cầu của quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, vấn đề chi tiêu của Nhà nước mà chúng ta thường gọi là chi tiêu công làm sao phải đạt được hiệu quả cao nhất, bài toán “chi phí - lợi ích” luôn phải được giải ở phương án tối ưu nhất. Không chỉ vì đó là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của đồng bào, mà còn là sự sống còn của sự nghiệp phát triển đất nước. Chi tiêu sai một đồng, lãng phí một đồng là có tội lớn với nhân dân - người đóng thuế. Chúng ta đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững nên cũng cần phải đặt ngân sách nhà nước trong mô hình tam giác phát triển bền vững với ba đỉnh là kinh tế, xã hội và môi trường với tâm điểm là chất lượng cuộc sống của người dân. Cả ba mục tiêu này phải được song song giải quyết một cách hài hòa bằng các nguồn lực của toàn xã hội, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, cho dù quy mô của ngân sách nhà nước hiện nay còn khá khiêm tốn do quy mô của nền sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nước ta. Bất kỳ sự thiên lệch nào cũng buộc chúng ta phải trả giá, không hôm nay thì cũng trong tương lai không xa. Điều này đã được cảnh báo đó tại nhiều diễn đàn, ở nhiều nơi, nhiều lúc. Do đó, tiết kiệm - hiệu quả trong chi tiêu không chỉ của Nhà nước mà cả xã hội là điều tôi mong được gửi gắm tới độc giả của VnEconomy trong năm mới Nhâm Thìn. Không phải chỉ vì chúng ta đã có luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội thông qua năm 2005, mà là do chính sự phát triển của đất nước yêu cầu”. Điểm sáng tái cơ cấu Đại biểu Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I “2012 tiếp tục sẽ là một năm khó khăn. Trên thế giới các thị trường chính tiếp tục rất nhiều bất ổn, thấy rất rõ ở Mỹ và nhất là châu Âu. Cạnh tranh khắc nghiệt hơn từ Trung Quốc và các nước trong khu vực do thị trường của tất cả các nước này đều đang giảm sút. Ở trong nước, lãi suất chưa thể giảm ngay và giảm nhanh và vẫn phải đề phòng lạm phát quay lại.Cùng với đó là chi phí đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng từ điện, xăng dầu, bảo hiểm xã hội… Điểm sáng, theo tôi là người Việt, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khá lạc quan và có niềm tin là lần này lãnh đạo đã nhìn đúng vấn đề và sẽ xử lý nhanh hơn, kiên quyết hơn để việc cơ cấu lại nền kinh tế thật sự diễn ra nghiêm túc. Nghiêm túc, có nghĩa là nói sao làm vậy và làm thật, làm liền chứ không nêu ra chỉ để yên lòng mọi người rồi sau đó kéo dài, chần chừ, nhân nhượng, vị nể nhau”.
Theo VnEconomy