"Chợ" mạng nhộn nhịp
Nắm bắt nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân dịp Tết Nguyên đán tăng cao, thời gian qua, dịch vụ này ngày một nở rộ.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều bài viết công khai cũng như các hội, nhóm kín về đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên tham gia đông đảo. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "đổi tiền mới", "đổi tiền lẻ" trên mạng xã hội Facebook, Zalo, ngay lập tức xuất hiện hàng nghìn bài viết về các dịch vụ đổi tiền. Thậm chí, nhiều "đầu nậu" còn chạy quảng cáo trên Google, Facebook… để tăng lượt tiếp cận.
Dịp cận Tết Nguyên đán, trên các trang mạng xã hội xuất hiện tràn lan những lời mời chào đổi tiền lẻ, tiền mới |
Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại gì cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc. Bên cạnh những lời mời chào hấp dẫn như "phí đổi thấp", "cam kết tiền thật", "tiền nguyên seri", mức chênh lệch cạnh tranh... để thu hút sự quan tâm của người có nhu cầu, họ còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận tiền.
Việc thỏa thuận giá chênh lệch, mệnh giá tiền cần đổi, số lượng, địa chỉ giao nhận... được trao đổi qua tin nhắn.
Dịch vụ đổi tiền lẻ dễ dàng được tìm thấy trên mạng xã hội Facebook, từ các hội nhóm cho đến tài khoản cá nhân |
Theo khảo sát của phóng viên, phí đổi tiền mới tùy theo mệnh giá, càng nhỏ thì phí càng cao. Trong một hội nhóm, một thành viên quảng cáo mức phí đổi tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 - 500.000 đồng phí 3 - 5%; tiền mệnh giá 10.000 - 50.000 tính phí 5%; mệnh giá tiền 5.000 đồng mất phí 12%; mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng thường là 20%. Đối với một số tờ tiền có số seri đẹp hay theo ngày sinh thì mức phí đổi tiền này có thể cao hơn, dao động từ 30 - 35%.
Phóng viên liên hệ đến một tài khoản có tên K.D. (ở Hà Nội), người này cho biết, năm nay, tiền mới khan hiếm nên chỉ những người đổi sớm mới có phí thấp như thông báo. Càng cận Tết - khi nguồn tiền mới ngày càng cạn, phí đổi sẽ cao hơn nữa.
Thắc mắc về việc trong khi ngân hàng nhà nước hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, tại sao các đầu mối quảng cáo đổi tiền vẫn có thể cung cấp được số lượng lớn tiền mới, chủ tài khoản K.D. cho biết: "Tiền mới được để dành từ năm trước, mỗi khi ngân hàng có tiền mới thì tranh thủ đổi, cất giữ phục vụ khách vào dịp Tết".
Cảnh giác trước "bẫy" đổi tiền
Đặc điểm của hoạt động đổi tiền online là thường giao dịch qua mạng xã hội. Khách hàng muốn đổi tiền có thể chuyển khoản từ 10 - 50% tổng số tiền cần đổi, cung cấp địa chỉ, sẽ có người đến tận nơi giao tiền mới và khách hàng thanh toán nốt số tiền còn lại.
Tuy nhiên, việc đổi tiền mới, tiền lẻ trên không gian mạng đã tiềm ẩn nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi đã có những trường hợp khách hàng bị lừa bởi các chiêu trò như đổi thiếu tiền, hay "lấy tiền thật mua tiền giả".
Do nhu cầu đi lễ, phong tục lì xì tiền mới dịp Tết Nguyên đán lấy may mắn, nhu cầu đổi tiền mới vào dịp Tết rất cao |
Chị Nguyễn Khánh Huyền ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, trước đây thường nhờ người quen đổi hộ tiền mới để mừng tuổi dịp Tết. Năm nay do không đổi được, chị đã lên mạng tìm hiểu và biết được một nhóm chuyên dịch vụ đổi tiền.
"Để đổi 5 triệu đồng tiền 20.000 đồng, tôi chấp nhận trả phí gần 500.000 đồng. Khi trao đổi, người đổi tiền yêu cầu chuyển khoản 500.000 đồng (10% tiền đổi) để đặt cọc. Thế nhưng sau khi chuyển tiền thì họ ngay lập tức chặn liên hệ với tôi", chị Huyền nói và cho biết không có cách nào liên lạc được nên đành chấp nhận mất tiền.
Tương tự, do có nhu cầu sử dụng trong dịp Tết sắp đến, anh Đức Thành ở quận Cầu Giấy, Hà Nội muốn đổi 2 triệu đồng tiền mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng để đi lễ chùa. Anh Thành cũng lên mạng tìm hiểu và liên hệ với một thành viên trong một hội nhóm đổi tiền lẻ để giao dịch.
"Người đổi tiền yêu cầu tôi chuyển khoản trước một nửa số tiền. Khi hàng ship đến, tôi thấy còn nguyên đai nguyên kiện nên không tháo ra kiểm tra. Đến hôm sau mới phát hiện một số tập bị rút lõi và được "thế thân" bằng những tờ giấy trắng. Liên hệ lại tài khoản Facebook này thì thấy mình đã bị chặn tài khoản", anh Thành cho hay.
Mới đây, ngày 18/1, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 18 năm tù đối với bị cáo Hoàng Như Phương (sinh năm 1988, ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị hại trong vụ án gồm 7 người, bị Phương chiếm đoạt tổng số tiền hơn 13,7 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, do nợ nần, cần tiền để tiêu xài và trả nợ cá nhân, Phương đưa ra các thông tin gian dối, giới thiệu bố mẹ và người nhà của Phương hiện đang làm việc tại Nhà máy in tiền Quốc gia, có quan hệ với cán bộ của Nhà máy in tiền, có thể đổi được các loại tiền mới, không mất phí để các bị hại tin tưởng, chuyển tiền cho Phương.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Phương chỉ sử dụng một phần để đổi tiền mới, trả cho những người bị hại nhằm tạo sự tin tưởng để họ chuyển thêm tiền cho Phương, sau đó chiếm đoạt.
Với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ ngày 9/9/2020 đến tháng 1/2022, Phương đã gây ra 7 vụ chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền hơn 13,7 tỷ đồng.
Đổi tiền mới thu phí là vi phạm pháp luật
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Trịnh Thị Hằng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện tiền lẻ, tiền mới như một mặt hàng, có giá cả công khai, có dịch vụ tận tình, sẵn sàng ship hàng đến tận địa điểm của người mua. Thế nhưng, không phải ai cũng ý thức được rằng, đổi tiền không đúng quy định sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 20 - 40 triệu đồng.
Theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 2/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có thẩm quyền thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.
"Chính vì vậy, hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi mà không thuộc trường hợp được phép đổi tiền theo quy định có thể coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng", luật sư Trịnh Thị Hằng cho hay.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP thì cá nhân vi phạm việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, khi tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết để ăn chênh lệch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức tiền từ 40 - 80 triệu đồng.
Về phía cơ quan quản lý, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Công điện 01/CĐ-Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền không đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc, hay bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |