Độc đáo với AFarm - mô hình trồng rau hộ ứng dụng công nghệ thông tin
Sau một thời gian ra trường, lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, trải qua nhiều công việc ở vị trí là một kỹ sư công nghệ thông tin tư vấn ứng dụng công nghệ cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, anh Nguyễn Tấn Phương (SN 1984, Thanh Khê, Đà Nẵng) nhận thấy người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn đến nguồn gốc thực phẩm và ưu tiên lựa chọn thực phẩm sạch. Xu hướng người tiêu dùng mong muốn sử dụng rau do mình tự trồng hoặc theo dõi được quy trình trồng loại rau mình sử dụng ngày càng tăng.
Anh Nguyễn Tấn Phương (bên trái) giới thiệu về quy trình đặt rau trên app AFarm và theo dõi quá trình trồng, chăm sóc và sinh trưởng của rau |
Từ thực tế đó, anh Phương nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với mô hình trồng rau hộ - mua rau sạch từ khi còn là hạt mầm, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin. Anh Phương và cộng sự đã xây dựng một ứng dụng (app) tên gọi “Afarm - Farm on Smartphone”, song song với đó tìm kiếm một vị trí đất nông nghiệp nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh để triển khai ý tưởng. Trên app “Afarm - Farm on Smartphone” hiển thị nhiều loại rau khác nhau, người tiêu dùng muốn loại rau nào sẽ lựa chọn loại rau đó, AFarm sẽ theo đặt hàng để trồng những loại rau khách hàng lựa chọn. Khi đến thời kì thu hoạch, rau sẽ được giao tận nhà cho khách.
Tên của khách hàng sẽ được ghi cụ thể trên từng giàn |
Qua thí điểm trên một diện tích nhỏ có tín hiệu tích cực, năm 2018, anh Phương trở về quê nhà tại TP. Đà Nẵng ấp ủ nguyện vọng sẽ mở rộng và thương mại hóa được dự án.
Được sự hỗ trợ và khích lệ từ huyện Hòa Vang, thụ hưởng chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, và những kinh nghiệm đã tìm tòi, học hỏi trong quá trình là tư vấn cho các nông trại nông nghiệp công nghệ cao, giữa năm 2018, nông trại AFarm với hình thức trồng rau thủy canh, chính thức hình thành tại thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) với diện tích 3ha.
Trong quá trình này, dựa vào thực tế quy trình sinh trưởng của mỗi loại rau, anh Phương “số hóa” dữ liệu quy trình này để tích hợp lên trên ứng dụng, điều chỉnh và hoàn thiện quy trình chăm sóc “ảo” của mỗi loại rau.
Mỗi khách hàng có nhu cầu đặt AFarm trồng rau hộ sẽ tải app AFarm về điện thoại và đăng ký tài khoản người dùng. Sau đó, khách hàng khi lựa chọn một loại rau nhất định theo dõi được toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, sinh trưởng của loại rau đó, theo đúng thời gian thực gồm giống rau, theo dõi được các thông số kỹ thuật của rau qua mỗi giai đoạn được cập nhật thường xuyên trên app AFarm. Sau 39 ngày, khách hàng sẽ được nhận sản phẩm và được giao tận nhà lần lượt 5 ngày/1 lần liên tục tùy theo gói 3 tháng/6 tháng/12 tháng mà khách đăng ký. Mỗi lần giao khoảng hơn 3 kg với 3 đến 6 loại rau.
Khách hàng sẽ lựa chọn loại rau và theo dõi sinh trưởng theo thời gian thực của những luống rau của mình từ khi là những hạt mầm đến khi thu hoạch thông qua ứng dụng Afarm |
Trong quá trình trồng rau hộ, AFarm đặt ra cho mình tiêu chuẩn chặt chẽ về rau an toàn 4 không: không biến đổi gen, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng và không thuốc hóa học; áp dụng phương pháp trồng thủy canh giúp hạn chế ký sinh trùng từ phân chuồng. Khu vực rau của khách hàng nào sẽ có tên của khách hàng đó và những loại rau khách đặt.
Từ những khách hàng đầu tiên là những người thân, bạn bè, và cả những cán bộ nông nghiệp của Đà Nẵng dành sự tin tưởng và ủng hộ cho mô hình, đến nay, AFarm đã có hơn 200 khách hàng sử dụng sản phẩm qua nhiều cách đặt hàng khác nhau. Ngoài khách hàng cá nhân, hộ gia đình, AFarm hướng đến liên kết với các cửa hàng thực phẩm sạch trong các khu dân cư để bán rau với số lượng lớn hơn.
Cũng chỉ từ 5 – 6 loại rau ban đầu, trên app AFarm hiện đã có hơn 40 loại rau, củ để tăng sự lựa chọn cho khách hàng.
Rau được trồng luân phiên, đảm bảo cho khách hàng có rau sạch sử dụng liên tục, thường xuyên |
Anh Phương cho biết, đến thời điểm hiện tại, mặc dù dự án vẫn đang còn bù lỗ, tuy nhiên, tín hiệu tích cực là số lượng khách hàng tăng dần, và khách hàng khi lựa chọn AFarm đều gắn bó lâu dài. Dự án cũng tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng.
“Với diện tích hiện tại, AFarm có năng lực đáp ứng nhu cầu trồng và sử dụng rau thường xuyên của khoảng 1.200 khách hàng (hộ gia đình, đơn vị, cửa hàng thực phẩm)”, anh Phương nói và thông tin thêm hiện AFarm đang tích cực để mở rộng mô hình trồng rau hộ thông qua việc liên kết với 2 nông trại khác tại tỉnh Lâm Đồng để tăng thêm sự phong phú về chủng loại sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. “Sắp tới, AFarm đăng ký sản phẩm OCOP đối với sản phẩm dưa lưới và rau để khẳng định về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, tăng niềm tin của người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh trong quá trình thương mại hóa sản phẩm”, anh Phương chia sẻ.