Thứ năm 28/11/2024 01:40

Doanh nhân Lê Hữu Dũng - Vua cá Koi ở Sài Gòn

Ông Lê Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Hải Thanh Koi farm được người Sài Gòn gọi là “Vua cá Koi Sài Gòn”. Vốn là lính hải quân bôn ba với biển khơi để bảo vệ biển đảo, xuất ngũ năm 1982, giờ ông lại viết tiếp giấc mơ với biển.
Ông Lê Hữu Dũng, Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hải Thanh Koi farm

Người lính trở về

Tìm tới ông Dũng “cá Koi” vào buổi chiều muộn một ngày cuối tháng 4, bất ngờ thấy ông nằm trên giường bệnh. Thật buồn vì ông đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư.

“Tôi chưa thể ra đi được, vì tâm huyết đưa cá Koi Việt Nam xuất ngoại một năm nữa mới thành công”, vua cá Koi Lê Hữu Dũng cười vui vẻ, như để xóa đi tâm trạng ngần ngừ của những người khách đến thăm.

Ông Dũng vốn quê Thanh Hóa. Khi xuất ngũ vào năm 1982, ông quyết định Nam tiến, vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông kể, có hai lẽ khiến ông không lập nghiệp ở quê, một là Thanh Hóa khi đó nghèo quá; hai là, khi còn là lính hai quân, ông đã nghĩ đến việc sẽ nuôi cá biển để làm kinh tế…

Vậy là anh lính hải quân Lê Hữu Dũng bắt đầu xoay vần với cơm áo gạo tiền ở đất Sài Gòn, làm đủ thứ nghề. Mãi tới năm 1989, hồ nuôi cá dĩa đầu tiên hoàn thành, bắt đầu thực hiện ước mơ của ông. Năm 1993, ông chuyển qua nuôi cá biển, xây được mấy cái thủy cung cho Khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM) và một số ở Nha Trang, rồi tiếp đó là công viên nước tại Đầm Sen (TP.HCM).

Duyên với cá Koi của ông chỉ bắt đầu từ năm 2005. Ông kể, năm đó, hai cha con ông sang Nhật Bản tham dự triển lãm cá cảnh quốc tế, nhìn thấy những con cá Koi tuyệt đẹp, to đùng như những con cá biển lớn ngoài khơi, với giá bán cao ngất ngưởng, từ mấy chục đến cả trăm ngàn USD/con, ông mê lắm, mò mẫm hỏi han. Ở trong điều kiện nhân tạo, nếu nuôi tốt, cá Koi có thể dài hơn 1 m, với trọng lượng hơn 30 kg, giá cả khi đó có thể lên đến 300.000 USD/con, cũng có khi là vô giá. Cá này có hình dáng giống như cá chép (nên còn được gọi là cá chép Nhật Bản).

“Hai cha con tôi lang thang suốt mấy ngày trong hội chợ và bắt đầu ấp ủ giấc mơ đem bằng được con cá này về Việt Nam”, ông Dũng nhớ lại.

Về nước, ông bắt tay ngay vào việc. Đầu tiên là xây trang trại và hồ nuôi cá Koi tại Sài Gòn. Lúc này, tại Việt Nam chưa ai nuôi loại cá Koi. Năm 2006, ông nhập lô hàng đầu tiên về, gồm 25 con cá Koi bố mẹ trị giá 45.000 USD.

Nhưng, niềm vui chưa được tày gang, thì hơn 1 triệu con cá bột do cá bố mẹ sinh ra thi nhau…chết. Ngày đầu chết 30%, rồi mấy ngày sau chết sạch. Những con cá bố mẹ không hiểu sao cũng ngã bệnh, rồi chết theo.

“Hai cha con tôi “đứng hình”, không biết làm sao cứu. Rồi lại cắn răng nhập về đợt thứ hai. Cá lại lăn ra chết hết”, ông Dũng nhớ lại những ngày đầu tiền đổ sông, đổ bể với giấc mơ cá Koi. Càng ráng cầm cự, Dũng “cá” càng khốn đốn. Lo nghĩ nhiều đến mức ông đổ bệnh. “Nhớ lại mà không khỏi hãi hung. Giấy báo của ngân hàng thông báo tiền lãi phải trả về liên tục. Tôi sợ không dám nhìn vô những con số...”, ông kể.

May mà hồi đó ông có đồng đội, đồng hương bên cạnh, những người trước đây từng được ông Dũng dìu dắt, nâng đỡ vào Nam để kiếm sống. Họ hùn tiền lại, mỗi người một ít, cho ông mượn đi mua đất, thêm vốn để ông gây dựng lại. Hội Cựu chiến binh cũng ủng hộ ông, cho ông mượn tiền.

Nhọc nhằn xây dựng thương hiệu

Lần đó, ông kể, ông gom tất cả tài sản, vốn liếng của ông và mọi người cho vay mua liền 20 ha đất hoang hóa, ngập mặn ở Củ Chi. Mấy công viên nước ông xây dựng trước đó cũng bán hết, vừa để trả nợ ngân hàng, vừa tiếp tục nghiên cứu con cá Koi. Là người lính, lại là lính hải quân, ông không thể đầu hàng con cá này được.

Nhưng 20 ha đất của ông khi đó không điện, không nước, không đường. Ông và cùng các anh em đồng hương, đồng đội bắt tay vào khai hoang, quần quật từ sáng tới đêm, ăn ngủ tại trại dã chiến.

Nguy hiểm ở chỗ, vùng đất ông chọn lại đầy bom đạn chiến tranh sót lại. Ông kể, nhớ lại vẫn run, chứ hồi đó là lính cả, vừa ra khỏi chiến tranh, nên ông và những đồng đội cũ toàn tự xử lý, hơn nữa cũng vì không đủ tiền thuê đội phá bom mìn chuyên nghiệp.

Nhiều lúc, ông kể, anh em phát hoang gặp những quả đạn M79, cối 80 ly vỏ còn sáng trắng ra. May là mọi chuyện cũng ổn. Không một tiếng nổ. Không một vết thương. Và cứ thế, ngày lại ngày, trại cá hiện dần trên mảnh đất vốn đầy rẫy hiểm nguy, bom đạn, báo hiệu một cuộc sống thanh bình và ấm no.

Ngay lúc đó, ông Dũng cũng đã tự nói với mình, đó chỉ là bước khởi đầu. Mục đích vẫn là con cá Koi đã làm ông tưởng như sạt nghiệp.

Năm 2009, với quyết tâm phục thù, ông sang Nhật Bản tham gia đấu giá cá Koi. Trận đấu giá kết thúc, ông Dũng chiến thắng, trở thành chủ của con cá Koi mơ ước của giới kinh doanh. Con cá dài 1,16 mét, màu sắc và “body” rất chuẩn. Cũng từ cuộc đấu giá này, thương hiệu cá Koi Việt Nam xuất hiện trong giới chơi và nuôi cá Koi quốc tế. Trại cá ông Dũng trở thành điểm đến mua giống cá đặc biệt này.

Nhưng cũng chính từ nhu cầu rất lớn của thị trường, ông nhận ra rằng, để lâu dài, chỉ có cách con cá phải nuôi sinh sản, sống được, phải mở ra được thị trường trong nước.

“Việt Nam mình có điều kiện rất tốt để phát triển loài cá Koi, nhưng không ai dám làm vì đầu tư lớn, rủi ro cao và cũng vì chưa nhiều người biết đến. Trong khi đó, Nhật Bản lấy cá Koi là quốc cá. Tại sao lại không có thương hiệu cá Koi Việt Nam”, ông Dũng nói.

Mong thế, muốn thế, nhưng thương trường không phải dành cho những giấc mơ. Ông Dũng hiểu điều đó. Kế hoạch lai tạo, tìm ra giống tốt được ông thực hiện bài bản, tốn công, tốn sức.

Năm 2015, cá Koi của ông Dũng đã được công nhận là thương hiệu Vàng của Việt Nam. Ông vua cá Koi đang sở hữu 2 trại cá lớn, với giá trị cả mấy chục tỷ đồng… tiếp tục chặng đường xây dựng thương hiệu vàng quốc tế cho con cá Koi Việt Nam.

“Tiền đó tính thế, nhưng tôi chưa có doanh thu. Cá Koi của tôi vẫn chưa thể xuất khẩu được vì phải đạt các tiêu chuẩn rất cao, từ chất lượng giống đến khả năng miễn dịch… Để hoàn tất quy trình này, sẽ phải mất 4 năm. Như vậy, hết năm 2016 Công ty tôi mới đạt được quy chuẩn này để xuất khẩu. Dự án này cũng phải mất 50 tỷ đồng đầu tư”, ông Dũng nói.

Nghe ông kể, không ai nghĩ rằng, ông đang trong giai đoạn chữa bệnh, chống chọi với căn bệnh nan y. Chỉ có giấc mơ làm kinh tế trên đồng đất quê hương, để không thể phụ lòng những người lính đã đổ máu vì cuộc sống hòa bình mới khiến người lính hải quân – ông vua cá Koi Lê Hữu Dũng mạnh mẽ như thế.

Chúng tôi tin rằng, ông sẽ đạt được giấc xây dựng thương hiệu cá Koi Việt Nam trên bản đồ cá Koi thế giới.

Theo Báo Đầu tư

Tin cùng chuyên mục

TP. Hồ Chí Minh: ViNa CHG được vinh danh là doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu

Doanh nghiệp, doanh nhân với khoa học và trách nhiệm vì sức khoẻ cộng đồng

Doanh nhân Việt Nam: Vượt tâm thế người đi sau 'chèo lái' doanh nghiệp vươn xa, lớn mạnh

Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh phía Nam: Doanh nhân vươn xa – Quê nhà thịnh vượng

''Quản trị Xám'': Góc nhìn mới cho tư duy lãnh đạo trong thời đại chuyển đổi

Doanh nhân Hán Thành Tuấn gây dựng khối tài sản 'khủng' như thế nào?

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân

Quốc hội sẽ luôn lắng nghe các đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân

Smartthings Việt Nam: Dấu ấn 'phù thủy' tài chính Nguyễn Tất Long

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ tư sẽ tổ chức vào tháng 11/2024

Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh làm “thuyền trưởng” của Thái Hưng - Top 5 doanh nghiệp thương mại thép Việt Nam

Công ty Thanh Tuấn - Thế lực xây lắp "ẩn mình" giữa lòng TP. Hồ Chí Minh

Làm sao cụ thể hoá khát vọng “Tỷ phú thế giới, doanh nhân quyền lực nhất châu Á”?

Mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 10 doanh nhân Việt lọt danh sách tỷ phú USD thế giới

Vụ hai cô gái trẻ lộ clip: VIB khẳng định không phải nhân sự ngân hàng!

CEO Nguyễn Thị Huyền Trang – nỗ lực phát triển kinh doanh để có điều kiện hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn

"Siêu dự án" sân bay Long Thành sắp triển khai 5 gói thầu giá trị lớn

10 quy tắc trong công tác điều hành doanh nghiệp của doanh nhân Đặng Văn Thành

Infographic: Tài sản của các tỷ phú Việt Nam thay đổi chóng mặt ra sao trong năm 2024?

CEO Huỳnh Bích Ngọc - người truyền cảm hứng cho nhiều nữ doanh nhân