Doanh nghiệp Trung Quốc: Khảo sát nhiều quốc gia nhưng chọn Việt Nam để đầu tư
Môi trường đầu tư Việt Nam có nhiều ưu điểm
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội nghị Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Châu Hoành – Đại diện Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam – một doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực tư vấn cho các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư chia sẻ: Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2017 và hiện đã tư vấn thành công cho hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam thuê đất tại các khu công nghiệp mở nhà máy sản xuất kinh doanh.
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chuyến làm việc tại Trung Quốc từ ngày 28-30/3 (Ảnh: MPI) |
Đặc biệt theo dự báo của ông Châu Hoành, đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, máy móc, khách sạn nhà hàng và chăm sóc sức khoẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Liu Yang Wang – Tổng giám đốc Công ty TNHH Solex Hight-Tech Industries Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp này đã tiến hành khảo sát tại nhiều quốc gia tại thị trường Đông Nam Á, nhưng sau đó lại quyết định chọn tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) để đầu tư nhà máy sản xuất.
Nguyên nhân được ông Liu Yang Wang đưa ra là, chuỗi cung ứng các ngành sản xuất của Việt Nam hiện đã khá hoàn thiện, bên cạnh đó lực lượng lao động của Việt Nam ổn định, đa số là lao động trẻ, có nhiều kỹ năng. Cùng với đó, khoảng cách giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng khá gần, thuận tiện cho việc đi lại và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhận định về xu hướng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Liu Yang Wang cho biết: “Tôi là doanh nghiệp của tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), và rất nhiều doanh nghiệp uy tín hàng đầu của tỉnh Phúc Kiến đều đã có cơ sở sản xuất tại Việt Nam”. Đặc biệt, ông Liu Yang Wang chia sẻ: Vẫn đang có rất nhiều doanh nghiệp tỉnh Phúc Kiến muốn chuyển sang Việt Nam để đầu tư trong thời gian tới.
Khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến làm việc tại một số tỉnh, thành của Trung Quốc từ ngày 28-30/3, trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi, làm việc với ông Vương Văn Đào – Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc vào sáng 28/3.
Ông Châu Hoành trao đổi với Phóng viên Báo Công Thương (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong thời gian gần đây. Các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ cao đã chiếm ưu thế.
Cụ thể, tính đến tháng 3/2024, các nhà đầu tư Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư tại Việt Nam.
Riêng năm 2023, Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 4 đầu tư tại Việt Nam (sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) với tổng vốn đăng ký 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2022.
Về thương mại, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 171,84 tỷ USD năm 2023. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay hai bên đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới; tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Đồng Đăng – Hà Nội; Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Về xây dựng khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, phía Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình kinh tế mới: Khu thương mại tự do, Khu kinh tế mở, Khu phi thuế quan; tham khảo những chính sách đã ban hành...
Về đầu tư, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: Đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, điện tử, công nghệ, công nghiệp phụ trợ... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc để triển khai đầu tư, hoạt động các dự án thành công, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Vương Văn Đào cho biết, mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, cả trong các lĩnh vực mới và truyền thống. Phạm vi hợp tác không chỉ đầu tư, mà còn chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân viên, khai thác thị trường khác.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, hiện một số ngành sản xuất, thậm chí chuỗi sản xuất của Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam như dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ... Đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam tăng nhanh chóng, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc đã cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn như Samsung, Apple. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới ở Việt Nam như năng lượng mặt trời.
Ông Vương Văn Đào cũng cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Trong tương lai, hai bên sẽ tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới như: Phát triển xanh, năng lượng mới, đồng thời có thể tăng cường đầu tư và kết nối phát triển xanh, kinh tế số, và hợp tác tốt hơn trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tính đến tháng 3/2024, các nhà đầu tư Trung Quốc có 4.418 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư tại Việt Nam. |