Doanh nghiệp thuỷ sản kỳ vọng lớn ở thị trường nội địa
Doanh nghiệp thuỷ sản quay về thị trường nội địa
Là một doanh nghiệp thuỷ sản mạnh, song hiện nay, doanh thu thị trường nội địa của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chỉ chưa đến 1% tổng doanh thu. Trong khi đó, thị trường Mỹ hiện chiếm tỷ trọng hơn 20%.
Để gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, cuối tháng 3/2024, Bách Hoá Xanh đã ký kết hợp tác chiến lược với Minh Phú để bán sản phẩm tôm tiêu chuẩn xuất khẩu trong chuỗi gần 1.700 cửa hàng bán lẻ của họ. Qua đó, phía Minh Phú hướng đến mục tiêu bán 3.000 tấn tôm/năm với doanh thu 500 tỷ đồng trên thị trường “sân nhà”.
Đáng chú ý, nếu như trước đây, khi bán hàng tại chuỗi Bách hóa Xanh, lượng hàng không tiêu thụ được khiếh Minh Phú phải hủy cuối ngày, gây khó khăn cho việc tích trữ và mua hàng của chuỗi bán lẻ, thì hiện tại, Thủy sản Minh Phú sẽ mua lại lô tôm cuối ngày nếu chuỗi bán không hết để tái chế biến.
Thị trường trong nước là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp thuỷ sản |
Với những giải pháp này, Minh Phú kỳ vọng gia tăng thị phần ở thị trường nội địa lên 5 - 10%.
Đối với Công ty CP Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu tại thị trường Việt Nam của Vĩnh Hoàn liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương. Đáng chú ý, doanh số tại thị trường nội tăng 47%, lên 329 tỷ đồng.
Xét về tỷ trọng thị trường nội địa trong cơ cấu doanh thu, năm 2022 đóng góp 22,4%, năm 2023 đóng góp 20,6%, trong 5 tháng đầu năm 2024 đã tăng lên 28,2% tổng doanh thu. Điều này cho thấy thị trường nội địa đang tăng ảnh hưởng đáng kể với Vĩnh Hoàn.
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những năm qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản coi thị trường nội địa là một trong những mảng thị trường quan trọng và mang lại doanh thu tích cực cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp làm nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao thì cũng sẽ có chỗ đứng nhất định ở thị trường nội địa. Chính VASEP cũng có 1 câu lạc bộ doanh nghiệp tiêu thụ hàng nội địa với 30 doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có doanh thu ở nội địa chiếm 30-50% tổng doanh số.
Thời gian qua, những chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị kết nối địa phương, thúc đẩy thị trường trong nước đang được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhận thức đúng đắn về tiềm năng của thị trường trong nước, các doanh nghiệp thủy sản đã tích cực xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử bằng việc tham gia nhiều hơn vào các nền tảng như TikTok, Facebook để livestream bán hàng.
Giải pháp nàp cho doanh nghiệp?
Khẳng định thị trường nội địa là mảnh đất màu mỡ, song với các doanh nghiệp thuỷ sản, thị trường nội địa vẫn đang bị bỏ ngỏ với rất yếu tố khách quan và chủ quan, do thói quen làm ăn kinh doanh theo hướng xuất khẩu nhiều hơn, cơ cấu sản phẩm phục vụ xuất khẩu nhiều hơn.
Một số doanh nghiệp đã chủ động quay về thị trường nội địa, song chủ yếu vẫn là hình thức bán hàng mang tính chất nhỏ lẻ. Bà Lê Hằng đề xuất có những khuôn khổ hợp tác theo chuỗi để bán hàng tại thị trường trong nước. Trong đó, các kênh online cũng cần một đầu mối để hợp tác với các doanh nghiệp thủy sản.
Để mở đường cho doanh nghiệp muốn tiêu thụ tại nội địa, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa và xuất khẩu vì mỗi thị trường đều có đặc thù khác nhau. Cần có thêm sự tìm hiểu về thói quen tiêu dùng với từng vùng miền. Doanh nghiệp thủy sản hiện tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam, nên để tiếp cận thị trường cần nghiên cứu từng vùng miền để có sản phẩm đưa vào từng thị trường phù hợp.
Hiện nay, bên cạnh khu vực thành phố và trung tâm, mức sống của người dân tại nông thôn, miền núi đã được cải thiện. Nhận thức của người dân về thực phẩm, về dinh dưỡng thay đổi, nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có thủy sản tăng hơn so với trước. Đây là những cơ hội để các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại phân khúc thị trường này.
Bên cạnh đó, những khu vực này thu hút rất nhiều khách du lịch ở trong nước cũng như quốc tế, là cơ hội tốt để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm tại địa phương nói chung và thủy sản nói riêng. Ngoài ra, cửa khẩu biên giới vẫn là một kênh giao thương tốt bên cạnh đường biển. Đây là kênh giao thương cần được quan tâm, nhận thức đúng về tiềm năng phát triển, đẩy mạnh truyền thông và phát huy hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần tiếp cận sâu hơn các kênh bán lẻ phổ biến ở nhiều thị trường khác nhau, ở các khu dân cư để đưa hàng hoá tiếp cận với người tiêu dùng. Ngoài ra, phát triển hơn kênh bán hàng online để có sự thâm nhập tốt hơn vào thị trường nội địa.