Thứ sáu 08/11/2024 01:38

Doanh nghiệp “nới” điều kiện tuyển dụng nhưng vẫn thiếu lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu lớn tuyển dụng lao động, thậm chí cần tuyển tới hàng nghìn người nhưng số lao động đến tìm việc lại quá ít.

Nghịch lý cung - cầu

Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, cả trực tuyến và trực tiếp, với hàng nghìn chỉ tiêu lao động. Mới đây, tại phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ thu hút 154 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 41.777 chỉ tiêu.

Doanh nghiệp “nới” điều kiện tuyển dụng nhưng vẫn thiếu

Trong đó, có 16.598 chỉ tiêu tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng, đại học; 14.587 chỉ tiêu trình độ công nhân kỹ thuật, trung cấp và 10.592 chỉ tiêu lao động phổ thông.

Tại phiên giao dịch này, Bắc Giang là địa phương có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất, với 17.338 chỉ tiêu; tiếp đến là Bắc Ninh 11.113 chỉ tiêu; Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng hơn 2.000 chỉ tiêu… Tuy nhiên, kết quả các doanh nghiệp đặt ra đều rất thấp so với mục tiêu.

Trước đó tại Bắc Giang cũng đã tổ chức phiên giao dịch việc làm khai Xuân Giáp Thìn 2024, kết nối trực tuyến 15 tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Hải Phòng, Phú Thọ.

15 tỉnh, thành phố kể trên có nhu cầu tuyển dụng trên 57 nghìn chỉ tiêu; trong đó điện, điện tử tuyển dụng nhiều nhất với trên 21 nghìn chỉ tiêu. Ở điểm cầu Bắc Giang, có 12 doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động, 3 cơ sở đào tạo nghề tham gia tuyển dụng với gần 25,8 nghìn chỉ tiêu nhưng chỉ khoảng 1 nghìn lao động đến tìm hiểu, phỏng vấn trực tiếp, online.

Tham gia phiên trực tuyến này, tỉnh Sơn La có nhu cầu tuyển hơn 400 lao động, nhưng số lượng đăng ký không nhiều. Trong khi toàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 760 nghìn người trong độ tuổi lao động.

Tại những phiên giao dịch việc làm từ đầu năm đến nay, mức lương cơ bản doanh nghiệp đưa ra dao động từ 4,2 - 6,53 triệu đồng/người/tháng, cộng với một số khoản phụ cấp thì tổng thu nhập hàng tháng của người lao động từ 7 - 12 triệu đối với người trực tiếp sản xuất (lao động phổ thông); lương 8 đến dưới 15 triệu đồng đối với vị trí lao động gián tiếp (làm việc ở văn phòng, kế toán, phiên dịch, lao động kỹ thuật); mức lương từ 15 triệu đồng trở lên chủ yếu được trả cho lao động làm công việc quản lý như trưởng phòng, tổ trưởng, trưởng các bộ phận, giám đốc bộ phận…

Ngoài chế độ tiền lương, người lao động còn được doanh nghiệp hỗ trợ tiền xăng xe, ăn trưa, nhà ở…; được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưởng tiền nghỉ các ngày lễ, tết, hiếu, hỷ, thai sản…

“Nới" điều kiện tuyển dụng

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang, năm 2024, các nhà máy trên địa bàn tỉnh cần tuyển hơn 100 nghìn lao động tập trung ở ngành nghề điện tử và may mặc. Để bảo đảm nhân lực cho doanh nghiệp sản xuất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang – ông Mai Sơn chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động.

Trong Kế hoạch xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị chức năng và địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người lao động trong và ngoài tỉnh về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút lao động tại các tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Quan tâm tuyển dụng bộ đội sau khi xuất ngũ; khuyến khích các trường nghề đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Đồng thời chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan rà soát, tháo gỡ vướng mắc, giảm thủ tục, hồ sơ cho lao động ngoại tỉnh khi đến làm việc tại Bắc Giang...

Qua tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam năm nay cần tuyển khoảng 40 nghìn lao động cho 4 nhà máy lắp ráp, sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Quang Châu và Vân Trung (Bắc Giang). Trong quý II/2024, riêng nhà máy ở Khu công nghiệp Vân Trung cần 7- 9 nghìn lao động mỗi tháng để giải quyết đơn hàng…

Nhằm thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã “nới” điều kiện tuyển dụng, hạ thấp tiêu chuẩn về độ tuổi, tay nghề, trình độ, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc. Thay vì tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi như trước đây, nhiều doanh nghiệp tuyển lao động từ 18 - 40 tuổi.

Còn tại Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam, Công ty TNHH Ce Link Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang) cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn. Tiêu chuẩn công ty đưa ra là tuyển tất cả ứng viên đủ tuổi lao động, đủ sức khỏe làm việc.

Không chỉ các tỉnh thành phía Bắc, nhiều tỉnh/thành phía Nam cũng trong tình trạng tương tự. Ví dụ tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay có 257 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với 8.810 vị trí việc làm trống. Trong đó, khoảng 10 doanh nghiệp tuyển từ 200 lao động trở lên, thế nhưng nhưng số lượng người lao động tham gia ứng tuyển ít hơn mọi năm rất nhiều.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đặt mục tiêu trong năm nay, mỗi tháng sẽ kết nối doanh nghiệp địa phương với người lao động tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, riêng Quảng Trị kết nối 1 tháng 2 lần nhưng hiện số lượng lao động vào TP. Đà Nẵng tìm việc ít hơn so với mọi năm.

Phản ánh tại các địa phương cho thấy, có một nghịch lý, trong khi hàng trăm doanh nghiệp cần lao động nhưng số lượng người lao động tham gia ứng tuyển ít hơn mọi năm rất nhiều. Đáng lo ngại, ở một số địa phương đang diễn ra xu hướng “tự thất nghiệp”, tức là nhiều người lao động thất nghiệp nhưng việc làm hiện đang rất nhiều. Người lao động có xu hướng làm những công việc tự do như giao hàng, không muốn ràng buộc giờ giấc.

Để thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chính sách đãi ngộ hấp dẫn và ưu đãi như nâng phúc lợi, hỗ trợ chuyên cần, nuôi con nhỏ, hỗ trợ tiền thuê nhà, xăng xe… song vẫn rất khó tuyển đủ người.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự phù hợp, tạo sự kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận với lao động nữ, vào ngày 31/3 tới đây, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh phối hợp với một số đơn vị tổ chức "Ngày hội việc làm cho lao động nữ". Sự kiện diễn ra tại thị xã Quế Võ (Bắc Ninh), dự kiến có sự tham gia của khoảng 2.000 người và gần 30 doanh nghiệp.
Tâm An
Bài viết cùng chủ đề: Việc làm

Tin cùng chuyên mục

Cầu ở Hà Giang bất ngờ đổ sập trong lúc đang thi công

Cùng hướng đến những tác động tích cực và bền vững cho trẻ em

Bộ Thông tin và Truyền thông bổ nhiệm Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia

TP. Hồ Chí Minh: Phụ huynh bức xúc vì phải thanh toán học phí qua app của bên thứ ba

Tìm được hai phi công lái máy bay Yak-130 nhờ Viettel tăng cường sóng hỗ trợ

Nhân sự 6/11: Bộ Công an điều động Giám đốc Công an tỉnh; Thứ trưởng Bộ Y tế nhận nhiệm vụ mới

Dự báo thời tiết mới nhất hôm nay 7/11/2024: Bắc Bộ ngày nắng; Trung Bộ mưa lớn giảm dần

Dự báo thời tiết Hà Nội hôm nay 7/11/2024: Hà Nội tăng nhiệt trở lại, ngày nắng; đêm vẫn lạnh

Dự báo thời tiết biển hôm nay 7/11/2024: Biển động rất mạnh do ảnh hưởng Cơn bão Yinxing gần Biển Đông

Tin bão gần Biển Đông (Cơn bão Yinxing) mới nhất hôm nay 7/11/2024: Vùng gần tâm bão biển động dữ dội

Loạn 'lang băm', 'thần y' quảng cáo bài thuốc gia truyền trên mạng xã hội

Giới thiệu bà Nguyễn Thị Tuyến để bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Dự báo thời tiết ngày mai 7/11/2024: Mưa lớn, lốc sét và gió giật mạnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa

Tháng 10, cả nước xảy ra 1.850 vụ tai nạn giao thông

Bão Yinxing di chuyển nhanh, giật cấp 17 hướng vào Biển Đông

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

95,4% hộ gia đình không thay đổi thu nhập trong tháng 10/2024

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia

Tập trung tìm kiếm cứu hộ máy bay Yak-130 rơi ở Bình Định

Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Sẽ đẩy mạnh số hoá, dùng AI phục vụ công tác pháp điển