Doanh nghiệp nào muốn đưa than đá từ Lào về Việt Nam?
Vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư Central Capital (Central Capital) đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trịđề xuất cho phép được khảo sát, lập đầu tư dự án xây dựng cảng chuyên dụng và băng tải chở than đá từ cửa khẩu La Lay về cảng biển tỉnh Quảng Trị.
Theo đề xuất từ phía Central Capital, doanh nghiệp muốn được xây dựng cảng với quy mô khoảng 100ha; Xây dựng băng tải kín, đi nổi trên hệ dầm, giàn thép trên cao, cầu vượt hoặc hầm xuyên núi. Điểm đầu tuyến tại khu vực bãi tập kết gần cửa khẩu Lalay, điểm cuối tuyến tại cảng khu vực bờ biển Quảng Trị. Chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 70km. Bề rộng băng tải 6,0m. Vận hành bằng nguồn điện. (Gồm băng tải và đường vận chuyển hàng trên cao).
Cửa khẩu quốc tế La Lay |
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.500 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và các nguồn huy đồng hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026.
Trước đó, như Báo Công Thương đã đưa tin, tỉnh Quảng Trị đã gửi văn bản trình Chính phủ về việc xây dựng băng tải than đá từ Lào về đến cảng biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, công suất 1.500-6.000 tấn/giờ.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị đề xuất gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Trị cho biết nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam tăng cao, nhưng hạ tầng cửa khẩu La Lay, huyện Đakrong chưa đáp ứng, khiến xe hàng ùn ứ, doanh nghiệp mất cơ hội tăng sản lượng.
Quảng Trị đề xuất xây dựng băng tải than đá từ Lào về đến cảng biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, công suất 1.500-6.000 tấn mỗi giờ, chia làm nhiều giai đoạn đầu tư. Hệ thống sẽ vận chuyển từ 15 đến 20 triệu tấn than đá từ Lào về Việt Nam mỗi năm.
Trong đó, đoạn phía Lào dài 85 km từ mỏ than đến cửa khẩu La Lay, đoạn phía Việt Nam dài 75 km từ cửa khẩu về cảng biển. Tổng mức đầu tư riêng đoạn ở Việt Nam dự kiến là 10.800 tỷ đồng. Trước mắt, nhà đầu tư xây dựng băng tải dài 5 km, công suất 6.000 tấn mỗi giờ ở cửa khẩu quốc tế La Lay, băng qua biên giới hai nước Việt Nam và Lào.