Doanh nghiệp miền Trung góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp
Lấy ý kiến doanh nghiệp miền Trung để dự thảo Luật sát thực tiễn và phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp |
Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ trình được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020).
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế VCCI cho biết, dự thảo sửa đổi được thực hiện trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp thông qua việc rút ngắn thời gian cấp phép, chủ trương đầu tư, bãi bỏ nhiều thủ tục đầu tư, giải quyết nhiều vấn đề còn chống chéo giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với nhiều bộ luật khác…
Tại hội thảo, các doanh nghiệp, đại diện hội luật gia Đà Nẵng bày tỏ sự quan tâm và tán thành cao với các điều khoản được sửa đổi trong Dự thảo luật. Trong đó, đặc biệt đáng lưu ý là việc sửa đổi một số điều khoản của Luật Doanh nghiệp theo hướng bảo vệ cổ đông có tỷ lệ sở hữu ít tại doanh nghiệp.
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi đưa ra việc sửa đổi khoản 2, điều 114 là Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 01% (trong Luật Doanh nghiệp 2014 là 10%) tổng số cổ phần cổ đông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có các quyền đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát; xem xét và trích lục sổ biên bản các nghị quyết, báo cáo tài chính của công ty; yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông;…. Đây được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ các cổ đông “thấp cổ, bé họng”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp tán đồng với quan điểm sửa đổi khoản 1, điều 105 “Trưởng Ban kiểm soát không được giữ chức danh khác tại công ty”, bởi trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp cổ phần thường có lệ Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban kiểm soát gây mất tính minh bạch, công bằng.
Các đại biểu cũng tán thành hoàn toàn việc dự thảo Luật bãi bỏ hoàn toàn sự can thiệp của Nhà nước về con dấu. Để doanh nghiệp tự mình làm và chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với con dấu của công ty (bao gồm các hình dáng, kích thước…). Các đại biểu cũng tán đồng và ủng hộ việc rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; điều chỉnh mở rộng các lĩnh vực được thụ hưởng ưu đãi đầu tư….
Bên cạnh việc đồng tình với đa số điều khoản của dự thảo Luật, tại hội thảo cũng diễn ra tranh luận gay gắt về 2 vấn đề: Doanh nghiệp nhà nước và Hộ kinh doanh.
Theo các đại biểu, cần phải có quy định rõ ràng về doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần. Nếu đã được gọi là doanh nghiệp Nhà nước thì phải 100% vốn sở hữu của nhà nước, chứ không thể sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì được gọi là doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, doanh nghiệp do nhà nước nắm quyền chi phối thì tỷ lệ vốn sở hữu phải trên 65% chứ không thể là trên 50% được, vì trên 50% mới là nguyên tắc quá bán, chưa phải là chiếm đa số.
Các doanh nghiệp góp ý kiến cho dự thảo Luật |
Đối với vấn đề hộ kinh doanh, các đại biểu tán đồng việc đưa vấn đề hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp. Dự thảo Luật đưa ra vấn đề thừa nhận Hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh bên cạnh loại hình doanh nghiệp, tiếp tục thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh, phát huy tối đa mọi nguồn lực đầu tư không phân biệt hình thức kinh doanh, đơn giản và tạo thuận lợi cho gia nhập và rút lui. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại việc tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh vô tình khiến các hộ này dù phát triển, đủ điều kiện nhưng vẫn không lên doanh nghiệp để không thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính liên quan.
“Bất công hiện nay là cùng một quy mô, nhưng nếu là doanh nghiệp thì phải thực hiện đầy đủ mọi thủ tục, thực hiện nghĩa vụ thuế, trong khi là hộ kinh doanh thì không phải chịu nghĩa vụ gì. Luật điều chỉnh để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh hoạt động tốt, sau đó họ lên doanh nghiệp, nhưng thực tế, nhiều hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp. Hộ kinh doanh càng nhiều thì thất thu thuế và bất công với doanh nghiệp càng lớn”, ông Nguyễn Diễn – Nguyên Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng ý kiến.
Trái với lo ngại của ông Diễn, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc ép tất cả các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ không có kết quả tốt. Hiện Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, 3,4 triệu hộ kinh doanh không phát sinh nghĩa vụ thuế, và 1,6 triệu hộ kinh doanh có phát sinh nghĩa vụ thuế. Việc điều chỉnh tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển là sự thừa nhận vị trí và vai trò của loại hình kinh doanh này trong nền kinh tế quốc gia. Để đảm bảo công bằng giữa 2 loại hình này, về vấn đề thuế sẽ quy định thực hiện nghĩa vụ thuế dựa trên quy mô, doanh thu và số loại động chứ không phân biệt loại hình doanh nghiệp hay hộ kinh doanh.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề cập đến việc đưa kinh doanh đòi nợ thuê vào diện ngành nghề cấm kinh doanh, thực hiện xử lý công nợ cho doanh nghiệp theo hướng phát huy vai trò của Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án; Hay vấn đề tạo cơ chế chính sách thu hút đầu tư làm sao để doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư phục vụ Việt Nam tránh tình trạng doanh nghiệp FDI đi một đường riêng, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam không mang công nghệ tiên tiến vào, mang lợi nhuận về quốc gia của họ và họ tận dụng sức lao động dồi dào của người Việt Nam chứ không hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề cho người lao động; vấn đề loại bỏ hay giữ điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề để tránh chồng chéo với các luật khác….