Chủ nhật 22/12/2024 19:40

Doanh nghiệp hiến kế kích cầu tiêu dùng nội địa

Thị trường nội địa được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, do đó, việc kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ ''mở khóa'' tăng trưởng nền kinh tế trong nước.

Chiều ngày 13/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường trong nước(Bộ Công Thương) tổ chức buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp bán lẻ khu vực phía Nam để bàn về việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thanh Minh

Tại buổi làm việc, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống phân phối lớn… đồng ý với dự thảo Đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước”. Đồng thời tập trung trao đổi, phân tích xu hướng, cũng như chia sẻ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước trong thời gian tới.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án, đại diện AEON, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc đối ngoại cho rằng, để kích cầu tiêu dùng nội địa cần cung cấp sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đại diện AEON dẫn chứng, so với năm 2023, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng tăng trưởng. Năm 2022, có sự bùng nổ tiêu dùng sau dịch nhưng đầu năm 2023, có sự sụt giảm trở lại, đó cũng là giai đoạn khó khăn của tất cả đơn vị bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc đối ngoại AEON. Ảnh: Thanh Minh

Học được kinh nghiệm từ năm 2023 và hiểu được hành vi tiêu dùng sau dịch, AEON có một số giải pháp. Theo đó, đối với hàng tiêu dùng hằng ngày, mỗi ngày, Aeon đều có giá tốt, liên kết với các nhà sản xuất ký số lượng tiêu thụ nhất định.

Người tiêu dùng chú trọng hơn về sản phẩm organic và sản phẩm liên quan sức khỏe, việc cung cấp sản phẩm phù hợp với thị hiếu thay đổi, nhà bán lẻ cần thay đổi theo hành vi tiêu dùng thay đổi. Ngoài ra, AEON kết hợp với nhà sản xuất địa phương làm hàng nhãn riêng để có giá tốt mà chất lượng sản phẩm không thay đổi, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng đều có lợi.

“Chìa khóa là phải nắm bắt được yêu cầu, thị hiếu của khách hàng, ưu tiên tiêu dùng của khách hàng để thay đổi biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây là bài học Aeon có được trong thời gian qua” - đại diện AEON nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam của Central Retail Việt Nam (Ảnh: Thanh Minh).

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam của Central Retail Việt Nam cũng cho biết: Sau 1 thời kỳ ''ngủ đông'' ngắn, người dân quay lại nhịp mua sắm nhưng mức độ chi tiêu và thói quen tiêu dùng thay đổi.

Hiện nay, người tiêu dùng đang giảm tần suất đi mua sắm tại siêu thị nhưng giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm lại cao hơn. Để hỗ trợ người tiêu dùng, Central Retail Việt Nam đã đua ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng khi đi mua sắm như: giảm 10% đơn hàng mua thực phẩm tươi sống trước 10 giờ sáng; hỗ trợ giảm giá các mặt hàng tiêu dùng tối đa đến 50%...

Ngoài ra, Central Retail còn đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm các địa phương để mở rộng đầu ra cho hàng hóa các tỉnh, thành, với mong muốn không chỉ tiêu thụ sản phẩm ở TP. Hồ Chí Minh ở các địa bàn mà còn muốn tìm đơn vị sản xuất phù hợp để làm hàng nhãn riêng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

“Central Retail Việt Nam mong muốn có thêm sự hỗ trợ của nhà nước và các địa phương để việc lưu thông hàng hóa, lưu kho… thuận lợi hơn” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền kiến nghị.

Ông Hà Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên. Ảnh: Thanh Minh

Ở góc độ doanh nghiệp trong nước, ông Hà Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (SATRA) - đề xuất, cần thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi tập trung… để kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước. “Trong bối cảnh thị trường có biến độ, sức mua giảm thì các chính sách của Trung ương nên có độ trễ để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn” - ông Hà Ngọc Sơn kiến nghị.

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh) - cho hay: Chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) hiện nay kéo dài 3 tháng. Trong thời gian này sẽ có những đợt cao điểm kích cầu. Theo đó, người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể nên rất hưởng ứng chương trình.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh).

“Mới đây (ngày 6/8), Sở Công Thương phát động chương trình “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường” phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động, kéo dài trong 30 ngày. Dự kiến, cuối tháng này, sẽ có thêm chương trình khuyến mãi hàng hiệu. Ngành Công Thương và các doanh nghiệp tập trung giảm giá tối đa cho người tiêu dùng nhưng kiên quyết không đánh đổi chất lượng để có giá tốt" - ông Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh.

Đánh giá cao và tiếp thu những ý kiến chia sẻ, kiến nghị và đề xuất của các doanh nghiệp phía Nam, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Thị trường trong nước 100 triệu dân, sức tiêu thụ rất lớn nên dư địa rất lớn, nếu không có những giải pháp kích cầu tiêu thụ trong nước sẽ không tận dụng được cơ hội phát triển.

Ông Phan Văn Chinh -Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương. Ảnh: Thanh Minh

Do đó, sắp tới, Vụ thị trường trong nước sẽ khẩn trương đánh giá tình hình thực trạng, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng kịp thời, từ đó, đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể để kích thích tiêu dùng xã hội, đồng thời thúc đẩy thương mại trong nước.

Cần triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực để kích thích tiêu dùng

Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Buổi làm việc này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Vụ Thị trường trong nước, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm do nhiều nguyên nhân, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng xã hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, nếu tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13-13,5%/năm). Sáu tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược thương mại trong nước.

“Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và dịch vụ giai đoạn 2021 đến nay suy giảm sẽ ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ và GDP chung của cả nước” - ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh

Thực tế thời gian qua, bên cạnh triển khai nhóm chính sách theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhiều chính sách liên quan định hướng phát triển thị trường trong nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai như Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới 2030 theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp phân phối lớn triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thị trường như tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu và định hướng tiêu dùng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp gỡ, tiếp cận mua bán, trao đổi hàng hóa bằng cả các hình thức hội nghị trực tiếp cũng như trực tuyến, phân phối hàng hoá trên các nền tảng thương mại điện tử, kích cầu và tạo thói quen mua sắm cho người tiêu dùng; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin phân tích và dự báo thị trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tích cực tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, các điểm bán hàng OCOP, chương trình bán hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết; kêu gọi các doanh nghiệp phân phối lớn, các hợp tác xã, chợ đầu mối căn cứ tình hình hoạt động và nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng chương trình hỗ trợ thu mua, chế biến, để tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của các địa phương.

Thông qua những hoạt động này, các sản phẩm của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng…) có thể bán trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường tiêu dùng trong nước cũng như tham gia vào chuỗi phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, do vậy để tiếp tục duy trì và thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, ông Phan Văn Chinh cho rằng, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới, cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường.

Đồng thời, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể trong trước mắt và trung hạn để kích thích tiêu dùng xã hội. Qua đó gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước, phục hồi và nâng cao tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội; kiềm chế lạm phát, từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường trong nước

Tin cùng chuyên mục

Đẩy mạnh chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển thương mại nội địa

Giá lúa gạo hôm nay ngày 22/12 và tuần qua: Gạo các loại biến động mạnh, lúa tươi quay đầu

Giá vàng miếng và vàng nhẫn hôm nay (22/12): Vàng nhẫn tiếp tục "vượt mặt" vàng miếng

Giá heo hơi hôm nay 22/12: Nhiều tỉnh thiết lập bảng giá mới, đạt 68.000 đồng/kg

Giá bạc hôm nay 22/12/2024: Bạc phục hồi trở lại sau nhiều phiên giảm liên tiếp

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 22/12/2024: Đồng Yên Nhật “chợ đen” tăng nhẹ

Tỷ giá USD hôm nay 22/12/2024: Đồng USD quay đầu giảm

Giá xăng dầu hôm nay 22/12/2024: Giá dầu giảm 3% trong tuần

Giá vàng hôm nay 22/12/2024: Tăng mạnh

Giá tiêu hôm nay 22/12/2024: Giá tiêu trong nước hôm nay giảm nhẹ

Giá cà phê hôm nay 22/12/2024: Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm

Dự báo giá vàng ngày mai 22/12/2024: Xu hướng tăng vẫn bị chi phối

Dự báo giá cà phê ngày mai 22/12/2024: Giá cà phê có thể tăng trở lại

Dự báo giá tiêu ngày mai 22/12/2024: Giá tiêu trong nước chuyển biến tăng sau nhiều phiên giảm

Giá vàng chiều nay 21/12/2024: Vàng nhẫn tăng vọt, vượt xa vàng miếng

Giá lúa gạo hôm nay ngày 21/12: Gạo quay đầu nhích nhẹ, lúa tươi vững giá

Giá vàng miếng và vàng nhẫn hôm nay (21/12): Tiếp tục giảm sâu

Giá heo hơi hôm nay 21/12/2024: Đồng loạt giữ giá trên cả nước

Giá bạc hôm nay 21/12/2024: Bạc nối đà giảm 3 phiên liên tiếp

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 21/12/2024: Đồng Yên Nhật trượt xuống mức thấp kỷ lục