Báo cáo Khảo sát doanh nghiệp gia đình toàn cầu 2021 của PwC cho thấy, hơn một nửa (55%) các lãnh đạo nhận thấy doanh nghiệp có tiềm năng về phát triển bền vững, tuy nhiên chỉ 37% có chiến lược cụ thể.
Theo đó, so với doanh nghiệp gia đình tại châu Âu và châu Mỹ, các doanh nghiệp gia đình tại châu Á đang có cam kết tích cực hơn về ưu tiên phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh. 79% các đại diện doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và 78% từ Nhật Bản cho biết đang “đặt tiêu chí bền vững làm trọng tâm xuyên suốt mọi hoạt động của doanh nghiệp”, con số này là 23% tại Mỹ và 39% tại Anh. Các doanh nghiệp lớn hơn và các doanh nghiệp nắm giữ bởi các thế hệ trẻ hơn cũng đang tích cực thúc đẩy xu hướng này, tập trung hơn vào các tiêu chí phát triển bền vững.
Ngoài ra, khảo sát của PwC cho hay, nhiều doanh nghiệp gia đình vẫn còn chần chừ trước các cam kết về phát triển bền vững mặc dù đa phần đều có nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội, cụ thể hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội, và 71% nỗ lực duy trì tối đa việc làm cho nhân lực trong thời gian đại dịch. Sự chần chừ này cũng không xuất phát từ triển vọng tiêu cực về kinh tế, khi dưới một nửa (46%) doanh nghiệp dự kiến sụt giảm về doanh số bất chấp tình hình đại dịch, và đa số các lãnh đạo tham gia khảo sát cảm thấy lạc quan về khả năng thích ứng cũng như tăng trưởng của doanh nghiệp vào năm 2021 (64%) và 2022 (86%).
Ông Peter Englisch, lãnh đạo toàn cầu khối doanh nghiệp gia đình tại PwC cho biết, các doanh nghiệp gia đình trên toàn thế giới có cam kết mạnh mẽ đối với các mục đích xã hội. Tuy nhiên trước áp lực ngày một gia tăng từ phía khách hàng, các bên cho vay, cổ đông và thậm chí cả đội ngũ nhân viên, doanh nghiệp cần mang đến những tác động có ý nghĩa thật sự về phát triển bền vững cũng như các yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị) khác. “Các doanh nghiệp gia đình sẽ phải thích nghi với những kỳ vọng đang thay đổi, và không đáp ứng được những kỳ vọng này sẽ mang đến rủi ro kinh doanh tiềm ẩn. Điều này không đơn thuần về việc tuyên bố các cam kết, mà đòi hỏi doanh nghiệp đưa ra mục tiêu và báo cáo thực sự, nhằm thể hiện rõ ràng ý thức về các giá trị và mục đích của doanh nghiệp gia đình khi đóng góp xây dựng lại nền kinh tế và xã hội tốt đẹp hơn”- ông Peter Englisch nhận định.
Đề cập đến vấn đề doanh nghiệp gia đình ứng phó trước đại dịch Covid-19, khảo sát cho hay, nhiều doanh nghiệp thực hiện điều này tương đối tốt. Chỉ dưới một nửa doanh nghiệp được khảo sát (46%) dự kiến sụt giảm doanh số bất chấp các tác động của đại dịch. Bên cạnh đó, các lãnh đạo tham gia khảo sát cảm thấy lạc quan về khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp, với 64% kỳ vọng tăng trưởng vào năm 2021 và 86% vào 2022.
Mặc dù 80% doanh nghiệp gia đình đã thích ứng với đại dịch Covid-19 bằng việc triển khai làm việc tại nhà, hiện vẫn còn những trăn trở về năng lực tổng thể của doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số. 62% lãnh đạo được khảo sát tự đánh giá năng lực số của doanh nghiệp gia đình mình là “không mạnh”, và 19% cho biết vẫn đang trong quá trình triển khai.