Doanh nghiệp FDI than mất nhiều thời gian để giải quyết thủ tục hành chính
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, ông Châu Hoành – đại diện Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam – một doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực tư vấn cho các nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư cho rằng: Thủ tục hành chính vẫn là một trong những rào cản của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.
Một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng cho biết, cùng một vấn đề nhưng ở mỗi địa phương lại có sự áp dụng khác nhau, sự thiếu thống nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính đang gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, phiền hà nhất vẫn là thủ tục hành chính lĩnh vực thuế và phòng cháy, chữa cháy (Ảnh minh họa) |
Cũng liên quan đến thủ tục hành chính, theo ông Joseph Uddo - Chủ tịch AmCham Hà Nội: Dù đã có sự cải thiện, nhưng một số luật và quy định mới vẫn tiếp tục đưa ra các thủ tục hành chính mới ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, nhất là các vấn đề liên quan đến giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan, giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài...
“Ngoài ra, mặc dù Chính phủ thúc đẩy số hoá nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử” – đại diện AmCham Hà Nội cho biết thêm.
Tại Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cũng cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài phải dành hơn 5% thời gian cho giải quyết các thủ tục hành chính vẫn ở mức cao trên 50% và đang có dấu hiệu gia tăng.
Đặc biệt hơn, theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI: Tỷ lệ này đang có dấu hiệu tăng so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Cụ thể, theo thống kê năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài phải dành 5% thời gian cho các thủ tục hành chính ở mức 42,61%; năm 2019 là 41,31%; năm 2020 là 32,86%, nhưng giai đoạn 2021-2022-2023, tỷ lệ này lần lượt là: 60,59%; 49,30% và 50,23%.
Báo cáo PCI năm 2023 cũng cho thấy, mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp FDI xuất khẩu và doanh nghiệp FDI định hướng thị trường trong nước đều giảm sút. Nguyên nhân được nhận định có thể đến từ bối cảnh thế giới cộng hưởng với các lực thị trường giảm sút. Xung đột căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới tiếp tục tạo đứt gãy thương mại toàn cầu, gây bất ổn lớn trên thị trường quốc tế. Đây là những yếu tố có thể làm thay đổi các chuỗi cung ứng và tăng chi phí, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
"Nhiệt kế doanh nghiệp" - một chỉ số trong PCI theo địa phương cũng phản ánh thực trạng tương tự. Tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về triển vọng mở rộng kinh doanh năm 2023 cao nhất, với 47,6%. Tuy nhiên, ngay cả ở địa phương dẫn đầu này, mức độ lạc quan cũng thấp hơn năm trước. Mức độ lạc quan của doanh nghiệp FDI tại các địa phương lâu nay luôn là trung tâm công nghiệp như Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh lần lượt ở mức khiêm tốn 20,3 và 19,6%.
Gánh nặng thanh tra và kiểm tra của doanh nghiệp FDI, đo lường bằng số doanh nghiệp báo cáo đã trải qua 4 cuộc thanh kiểm tra trở lên, giảm từ 21,92% năm 2013 xuống còn 6,61% vào năm 2023. Mức giảm đáng kể này phản ánh những cải thiện trong môi trường kinh doanh và thể chế ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian thực hiện thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu hầu như vẫn giữ nguyên kể từ năm 2013 đến nay cho thấy còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện.
Cần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng dòng vốn FDI |
Từ năm 2023 đến nay, thu hút đầu tư nước ngoài là điểm sáng của kinh tế Việt Nam và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới đến từ chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội này, ông Đậu Anh Tuấn đưa ra 6 khuyến nghị nhằm tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức. Cần tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường.
Thứ hai, thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn một cách hiệu quả, theo hướng đơn giản hoá quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và cung cấp thông tin minh bạch hơn cho các doanh nghiệp.
Thứ ba, chính quyền các địa phương cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn lực để hoạt động, tiếp cận thông tin, miễn giảm thuế, tham gia đấu thầu mua sắm công.
Thứ tư, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, đó là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động chính sách pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Thứ năm, chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nước chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng vào Việt Nam.
Thứ sáu, sự năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh địa phương cũng như của cả Việt Nam.