Doanh nghiệp FDI sẽ phải đặt cọc
- Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến hết tháng 5/2013, cả nước có tới 518 doanh nghiệp FDI vắng chủ với tổng vốn đăng ký lên đến 903 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã không trả lương cho người lao động, không thực hiện nghĩa vụ thuế, nợ đối tác Việt Nam, thậm chí có đối tượng trục lợi, huy động vốn rồi bỏ về nước, để lại nhiều hậu quả lớn.
Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo đó, những dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế, xã hội, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ. Đặc biệt, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Kiên quyết đình chỉ đối với những dự án đã được cấp hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư mà không phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục… Các bộ, ngành cần quy định chi tiết, rõ ràng các tiêu chí, điều kiện đầu tư trong lĩnh vực phụ trách làm căn cứ cho việc cấp phép và quản lý sau cấp phép (suất đầu tư, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, môi trường...).
Ông Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, biện pháp đặt cọc đối với các doanh nghiệp FDI là bình thường, nhiều nước đã làm rồi chứ không phải chưa có tiền lệ. Doanh nghiệp chân chính sẽ sẵn sàng đóng ký quỹ. Còn doanh nghiệp không có ý định đàng hoàng sẽ phải cân nhắc, rút lui.
Cũng tại Nghị quyết 103, thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào 4 định hướng: thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia; khuyến khích tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước; quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.
Nghị quyết 103/NQ-CP cũng đưa ra 5 giải pháp nhằm quản lý và nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI: hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; hoàn thiện tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.
Thu Phương