Doanh nghiệp FDI cũng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid - 19 |
Chính quyền chủ động phòng dịch, doanh nghiệp an tâm hoạt động
Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng do Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI bày tỏ những lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid – 19) gây ra sẽ làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, công ty gặp khó trong việc mua nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Đại diện Công ty cũng bày tỏ lo ngại việc dịch bệnh bùng phát tại Nhật Bản ngoài việc làm đình trệ hoạt động kinh doanh của Công ty và các đối tác tại Nhật, đơn vị cũng sẽ gặp khó khi di chuyển từ Nhật Bản sang Việt Nam và ngược lại trong bối cảnh cả 2 quốc gia đều đang siết chặt kiểm dịch.
Còn ông Liviu Lese – Giám đốc điều hành nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (UAC) tại Việt Nam cho biết do tác động của dịch bệnh Covid – 19 nên các đơn hàng của đơn vị bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến.
Mặc dù lo lắng về dịch bệnh, tuy nhiên, các đơn vị FDI tại TP. Đà Nẵng vẫn bày tỏ lạc quan và an tâm sản xuất khi TP. Đà Nẵng triển khai hàng loạt biện pháp chống dịch nhưng cũng chăm lo phát triển kinh tế.
Ông Liviu Lese cho rằng khủng hoảng, kinh doanh khó khăn là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp hoạt động và tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Và ngay khi có xảy ra dịch bệnh, UAC đã có những giải pháp riêng để khắc phục khó khăn. Ông Liviu Lese đặc biệt ấn tượng với việc TP. Đà Nẵng chủ động có nhiều biện pháp để phòng chống dịch Covid – 19, đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. “Tôi thấy Đà Nẵng rất an toàn, chúng tôi an tâm hoạt động sản xuất bình thường”, ông Liviu Lese nói.
Ông Liviu Lese – Giám đốc điều hành nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (UAC) tại Việt Nam cho biết doanh nghiệp cảm thấy an tâm và an toàn khi sản xuất tại Việt Nam |
Còn tại nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina thuộc Công ty TNHH Dentium Hàn Quốc, ông Hwang Ji Hwan – Giám đốc nhà máy cho biết, hiện công ty vẫn duy trì hoạt động tương đối ổn định. “Dịch bệnh bùng phát mạnh tại Hàn Quốc khiến người dân Hàn Quốc hiện rất lo lắng. Hiện công ty mẹ tại Hàn Quốc và nhà máy tại TP. Đà Nẵng vẫn đang tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch. Chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động ổn định”, ông Hwang Ji Hwan nói và cho biết thêm Công ty đang tập trung vào phát triển thị trường tại Việt Nam bằng việc đầu tư và mở rộng sản xuất nhà máy tại TP. Đà Nẵng.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Khảo sát của Sở Công Thương Đà Nẵng về tác động của dịch Covid – 19 đến hoạt động của doanh nghiệp cho thấy đa phần doanh nghiệp khó khăn về mặt nguyên liệu. Một số doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên nhập khẩu từ Trung Quốc. Hầu hết các doanh nghiệp nguồn nguyên liệu còn chủ động được đến hết tháng 2, một số đơn vị còn nguyên liệu hoạt động đến giữa tháng 3.
“Phần lớn các doanh nghiệp bây giờ đang theo dõi tình hình và diễn biến của dịch. Các doanh nghiệp đang xem xét phương án để tìm kiềm nguồn nguyên liệu thay thế nếu tình hình dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên đây là vấn đề phức tạp vì nhiều thủ tục, chi phí lớn” - bà Phan Thị Hiệp – Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng nói và cho biết hiện Sở Công Thương đã có làm việc với Cục Xuất nhập khẩu và một số Cục, Vụ của Bộ Công Thương để kết nối thông tin, và cập nhập những chính sách Bộ Công Thương triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, Sở cũng đang chuẩn bị triển khai các chương trình kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp.
“Sở cũng đã tổng hợp ý kiến của các đơn vị trình Ủy ban thành phố các kiến nghị liên quan đến giảm thuế, giãn nợ thuế, gia hạn thuế và bảo hiểm cho doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp đề xuất liên quan đến thuế, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng”, bà Hiệp cho hay.
Sở Công Thương Đà Nẵng đang tích cực triển khai chuẩn bị các hoạt động kết nối cung cầu để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp |
Trước các đề xuất về tín dụng, ông Võ Minh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch Covid - 19, Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo cụ thể yêu cầu các ngân hàng thương mại có các biện pháp cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, miễn giảm lãi trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng. Đặc biệt là việc cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giãn nợ sẽ không chuyển nhóm nợ doanh nghiệp (nhóm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp).
“Thông thường trước đây khi doanh nghiệp chỉ cần có đơn xin gia hạn nợ, giãn nợ thì ngay lập tức ngân hàng sẽ thực hiện chuyển nhóm nợ đối với doanh nghiệp đó. Ví dụ như đang ở nhóm 1 sẽ chuyển sang nhóm 2. Gia hạn thêm lần nữa sẽ chuyển sang nhóm 3. Từ nhóm 3 trở đi doanh nghiệp bắt đầu được xếp vào nhóm tín dụng rủi ro và sẽ có nhiều vấn đề kèm theo rất phức tạp. Nhưng hiện nay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang cho phép tạm thời là thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nợ vẫn giữ nguyên nhóm chứ không bị chuyển hạng", ông Minh nói và cho biết đây là các nỗ lực của ngân hàng để giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, doanh nghiệp sản xuất tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bớt gánh nặng tại chính, vượt qua khủng hoảng.