Doanh nghiệp được hỗ trợ 150% phí khi hàng hoá qua trạm BOT Phú Hữu
Ngày 19/9, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương Mại Quốc Tế (ITC Corp), đơn vị khai thác Cảng Container Quốc tế SP-ITC cho biết, đã thông báo thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí qua trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư vào Cảng SP-ITC (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho các doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ tại cảng này.
Theo đó, đối với hàng container xuất nhập khẩu và container hàng nội địa, cảng SP-ITC sẽ hỗ trợ 100% phí chiều vào và 50% phí chiều ra tại trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư. Riêng hàng đóng rút tại bãi cảng bằng đường bộ, mức hỗ trợ áp dụng chung cho hai chiều là: 75.000 đồng/container 20 feet và 152.000 đồng/container loại 40 feet. Các khoản hỗ trợ này được khấu trừ trực tiếp vào hóa đơn sử dụng dịch vụ tại cảng.
Trạm thu giá BOT Phú Hữu gặp sự phản đối của người dân ngay từ ngày thu giá đầu tiên (Ảnh: CTV) |
Theo tính toán của ITC Corp, mỗi ngày có chừng 1.500 xe container ra vào cảng, tương đương mức hỗ trợ phí BOT khoảng 170 triệu đồng.
Để giảm khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, ITC Corp cho rằng nên xem xét lại mức phí trạm BOT Phú Hữu vì dự án chỉ thực hiện với chiều dài khoảng 2,6 km nên giá vé hiện nay được xem là cao. Về lâu dài, doanh nghiệp đề xuất TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu sử dụng nguồn thu phí hạ tầng cảng biển mua lại dự án BOT Phú Hữu và đầu tư đồng bộ giao thông kết nối vào cảng.
Trước đó, khi trạm BOT Phú Hữu chuẩn bị đi vào thu phí dịch vụ đường bộ, một số doanh nghiệp ngành logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hàng hoá qua cảng bến cảng Tân Cảng - Phú Hữu (1 phần của Tân Cảng - Cát Lái) và bến cảng SP-ITC đã có đơn kêu cứu đến Thành uỷ, UBND TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan.
Các doanh nghiệp cho rằng, chi phí thông qua cảng, hãng tàu, thuế và phụ phí xuất nhập khẩu, doanh nghiệp này phải chịu thêm chi phí cầu đường khi vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh phía Đông - Tây vào TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các doanh nghiệp phải đóng phí tại các trạm như: trạm BOT Xa lộ Hà Nội (160 nghìn đồng/lượt xe, không phân loại container); trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (163.000 đồng/lượt/container rỗng, 342.000 đồng/lượt/container hàng).
Ngoài ra, hàng hoá được vận chuyển từ các tỉnh phía Nam vào TP. Hồ Chí Minh cũng bắt buộc phải trả phí thêm tại trạm BOT cầu Phú Mỹ (80.000 đồng/lượt xe); trạm BOT đường Nguyễn Văn Linh (35.000 đồng/lượt xe). Thêm nữa, các doanh nghiệp còn phải đóng phí hạ tầng cảng biển cho TP. Hồ Chí Minh mức 250 nghìn đồng/container 20 feet và 500.000 đồng/container 40 feet kể từ ngày 1/4/2022 đến nay.
Do đó, việc thu phí tại trạm BOT Phú Hữu đẩy doanh nghiệp vào cảnh “phí chồng phí” khi đưa hàng vào xuất nhập khẩu tại các cảng khu vực Phú Hữu, bởi đây là khu vực tập trung nhiều cảng biển có những tuyến dịch vụ đặc thù, là cửa ngõ xuất nhập khẩu, nơi các chủ hàng đều mong muốn sử dụng dịch vụ, đồng thời là tuyến huyết mạch độc đạo, xe ra vào bắt buộc phải đi trên cùng một tuyến đường.
Cũng liên quan đến vấn đề này, vào ngày 17/9 vừa qua, trạm BOT Phú Hữu chính thức hoạt động thu phí với mức phí thấp nhất 14.000 đồng, cao nhất 110.000 đồng mỗi lượt qua trạm (mức phí áp dụng đến hết ngày 31/12/2024).
Tuy nhiên, trong ngày đầu thu phí đã xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông khi gặp phải phản đối từ cư dân sống xung quanh trạm BOT này. Người dân cho rằng, họ thuộc đối tượng được miễn phí nhưng khi đi qua trạm vẫn bị trừ phí trên thu phí tự động không dừng VETC nên đã dừng xe phản đối. Sau đó, đã được đơn vị vận hành trạm BOT giải quyết.
Phương tiện ùn ứ tại trạm thu giá BOT Phú Hữu trong ngày 17/9 (Ảnh: CTV) |
Dù đã được miễn phí đối với ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng khu vực các đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu.
Tuy nhiên, cư dân tại khu phố 6 cho rằng việc miễn phí này vẫn chưa triệt để, bởi khi họ sử dụng các dịch vụ vận chuyển khác khi đi qua trạm vẫn phải đóng phí là chưa hợp lý.
Chị Trịnh Diện Trang (ngụ tại khu phố 6, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức) cho biết: “Tôi hay đi xe công nghệ, giờ mỗi lần đi và về phải mất thêm tít nhất 28.000 tiền phí, rất mong được chính quyền xem xét. Lúc mua đất, không ai cho biết khu dân cư này không có được vào, phải đi qua đường của Công ty xi măng Hà Tiên mới được về nhà”.
Theo đại diện Sở Giao thông vận TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Sở đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng Giao thông đường khảo sát những vấn đề phát sinh trong ngày đầu thu phí tại trạm BOT Phú Hữu. Những bất cập phát sinh do người dân phản ánh sẽ được ghi nhận. Sở sẽ làm việc với nhà đầu tư để xem xét và có những điều chỉnh phù hợp”.
Trước đó, Báo Công Thương đã thông tin, năm 2012, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (trước đây là Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1) được chấp thuận và bắt đầu thi công dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, trên địa bàn phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Đây là dự án theo hình thức BOT, được khởi công ngày 6/6/2012 với tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng. Dự án được khai thác theo phương án hợp đồng trong vòng 24 năm. Đến nay, sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự án BOT này đã hoàn thành. Để thực hiện việc thu giá tại Trạm BOT, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 705/QĐ-UBND về việc quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Phú Hữu. Theo quyết định này, mức thu ở trạm BOT Phú Hữu nhỏ nhất 510 nghìn đồng/tháng (đối với xe dưới 12 ghế ngồi) và cao nhất là gần 4 triệu đồng/tháng (đối với tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet). Đồng thời, miễn thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với xe dưới 12 phế ngồi không sử dụng đề kinh doanh của hộ dân thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trong phạm vi tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu. |