Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Khó đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng
5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Phát biểu tại Hội thảo "Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào sáng 25/8, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thể hiện năng lực sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của nền công nghiệp trong nước.
Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ |
Những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Mới đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới…
Cùng với đó, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, bao gồm cả các chương trình hợp tác quốc tế với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, nhiều tập đoàn đầu tư nước ngoàilớn tại Việt Nam có nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động với doanh thu sản xuất kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.
“Năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn được đánh giá hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp” – ông Bùi Trung Nghĩa thông tin.
Cụ thể, đối với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp Việt Namchiếm khoảng 30-35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40%. Tuy nhiên, ở những ngành công nghệ cao như ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hoá lần lượt là 15% và 5% và phần lớn là các linh kiện nội địa hoá đều do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nước cung cấp.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó khăn trong tiếp cận vốn |
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tài chính
Theo phân tích tại hội thảo, hiện có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối của nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam đang tìm kiếm nhà cung cấp trong nước để tối ưu hoá sản xuất, nhằm giảm chi phí và đáp ứng linh kiện kịp thời. Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế những tác động do dịch Covid-19 bùng phát, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam theo các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay là rất khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, theo bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước để tiết giảm chi phí và giảm tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng. Song quy chuẩn, tiêu chuẩn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cao, trong khi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước lại chưa đáp ứng được.
“Theo thông tin từ một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hầu như các vendor (nhà cung cấp) cấp 1 tại Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu” - bà Bùi Thu Thuỷ thông tin.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng là bởi, đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn mỏng và năng lực cạnh tranh thấp. Đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng được các đơn hàng lớn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cũng không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất của những tập đoàn toàn cầu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có khi phải cần đến khoản vốn đầu tư máy móc, thiết bị lên tới 5 - 10 tỷ USD. Đây thực sự là “quá sức” với nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng minh bạch, thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận tài chính hiệu quả để đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tập đoàn toàn cầu.