Sản phẩm Ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là SmartEVN) do Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) xây dựng và phát triển vừa được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao Giải Sao Khuê 2022 tại lĩnh vực: Quản lý, điều hành tổ chức, doanh nghiệp.
Nhiều sản phẩm, nền tảng công nghệ do doanh nghiệp Việt làm chủ |
Đây là nền tảng tích hợp các dịch vụ quản trị nhân lực và hành chính. Hệ thống đã được triển khai tại toàn bộ các đơn vị thành viên của EVN, đến từng người lao động. Với 2 phiên bản mobile app và web, Smart EVN tích hợp các phân hệ/module chính như: Văn thư; văn bản; công việc; đăng ký nghỉ; chấm công; chấm điểm; thu nhập; đăng ký công tác; nhân sự; đào tạo; lịch tuần; y tế…
Việc ứng dụng SmartEVN giúp tiết kiệm chi phí văn phòng như: In ấn, lưu trữ tài liệu; chi phí về thời gian thực hiện công việc của cán bộ, công nhân viên; thời gian thực hiện các quy trình, tìm kiếm, xử lý thông tin; chi phí quản trị, vận hành, hỗ trợ phần mềm. Đồng thời, mang lại hiệu quả về xã hội khi bổ sung một kênh truyền tải thông điệp của EVN và các đơn vị tới người lao động, giúp gắn kết môi trường làm việc và tăng cường văn hóa DN của EVN và các đơn vị. Đặc biệt, sự chuyển đổi từ hình thức quản lý thủ công sang quản lý điện tử sẽ đáp ứng được yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0 và phù hợp với xu thế phát triển chung về công nghệ thông tin của toàn xã hội.
Một minh chứng khác là hệ thống tự động hóa DN - WEONE của Công ty FSI là giải pháp giúp các DN đơn giản hóa các hoạt động quản trị, tối đa hiệu suất làm việc và giải quyết các bài toán khó trong vận hành, phù hợp với mọi DN từ nhỏ vài chục người đến các tập đoàn lớn hàng nghìn nhân sự. Hay, dịch vụ điều hành an ninh mạng tập trung FPT.EagleEye mSOC của Tập đoàn FPT giúp các DN, tổ chức hạn chế tối đa thiệt hại do mã độc hoặc các cuộc tấn công có chủ đích gây ra, giảm đến 80% chi phí, 2 tháng điều tra sự cố/năm và 80% nhân sự về bảo mật, từ đó vận hành an toàn và đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ…
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - cho biết, các DN công nghệ Việt đã tiếp cận nhanh chóng các công nghệ mới. Những hệ sinh thái số đang dần được hình thành cho các ngành, lĩnh vực, các thành phần của nền kinh tế, thể hiện sự đồng hành của cộng đồng DN công nghệ với Chính phủ trong chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và xung kích cùng các tổ chức, DN trong chuyển đổi số.
Chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển đổi từ gia công, lắp rắp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Vietnam”- sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, DN công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi tất cả DN Việt Nam thành DN số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 64.000 DN công nghệ số, tăng thêm 5.600 DN so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT thương hiệu Việt Nam. Doanh thu của các DN này đạt 18.779 triệu USD, chiếm 13,8% doanh thu chung toàn ngành. Tỷ lệ giá trị Việt Nam trong doanh thu ngành đạt 24,65%, tăng đáng kể so với những năm trước đó. |