Doanh nghiệp chạy đua chuyển sàn, lên sàn cuối năm
Từ đầu tháng 10 đến nay, có 7 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong đó phần lớn là doanh nghiệp chuyển từ UPCoM lên, bao gồm 2 tổng công ty lớn là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex (BCM).
GVR có kế hoạch chuyển sàn từ đầu năm 2019, nhưng mới đây mới nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE. Hiện tại, GVR là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn UPCoM, 40.000 tỷ đồng, với 105 công ty con (không ít công ty đã niêm yết trên HOSE như Cao su Phước Hòa, Cao su Đồng Phú, Gỗ Thuận An…) và 21 công ty liên kết.
Đối với hồ sơ niêm yết của GVR, lãnh đạo HOSE cho biết, Sở đã yêu cầu doanh nghiệp bổ sung các thủ tục.
Việc GVR có kịp chuyển sàn trong năm 2019 hay không phụ thuộc vào tiến độ bổ sung hồ sơ của doanh nghiệp. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký niêm yết hay chuyển sàn đều khó hoàn tất mọi thủ tục liên quan ngay từ khâu nộp hồ sơ.
Đại diện GVR chia sẻ, Tập đoàn đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục để có thể kịp chuyển sang sàn HOSE trong tháng 12/2019.
9 tháng đầu năm, GVR đạt doanh thu 12.948 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.309 tỷ đồng, hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong 2 tháng qua, giá cổ phiếu GVR dao động quanh mức 14.000 đồng/cổ phiếu.
Đối với BCM, Tổng công ty đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM và sẽ niêm yết trên HOSE với khối lượng 1,035 tỷ cổ phiếu, tương đương mức vốn điều lệ 10.350 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (VIF) rậm rịch chuyển sàn từ đầu năm 2019, nhưng ngày 20/11 vừa qua mới chính thức nộp hồ sơ lên HOSE.
VIF hoạt động chính trong lĩnh vực trồng rừng và chăm sóc rừng, có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, tương ứng với 350 triệu cổ phiếu.
Chuyển sang niêm yết trên HOSE, VIF kỳ vọng, thanh khoản của cổ phiếu sẽ được cải thiện, bởi khối lượng giao dịch của VIF trên UPCoM rất thấp, bình quân 3.000 - 4.000 đơn vị/phiên.
Trước đó, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (NHH) nỗ lực triển khai các thủ tục chuyển sàn trong năm 2019.
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHH kỳ vọng, việc chuyển niêm yết 34 triệu cổ phiếu (tương đương mức vốn điều lệ 340 tỷ đồng) sẽ là cơ hội giúp Công ty nâng cao hình ảnh cũng như thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn vốn.
NHH thành lập từ năm 1972, trở thành thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings từ tháng 11/2018, thời điểm đánh dấu quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ của Công ty.
Bên cạnh tăng năng lực tài chính, Công ty bước vào giai đoạn phát triển mở rộng với định hướng trở thành tổng công ty với 4 công ty thành viên là Công ty TNHH Phát triển Xuất nhập khẩu và Đầu tư Viexim, Công ty cổ phần An Trung Industries, Công ty TNHH Linh kiện nhựa ô tô VinFast - An Phát (VAPA) và Công ty TNHH Cơ khí chính xác và khuôn mẫu Việt Nam (VMC).
NHH đang sản xuất linh kiện hỗ trợ cho Honda, Toyota, Piaggio, VMEP, Panasonic, LG... Trong năm 2019, Công ty mở rộng thêm khách hàng mới trong lĩnh vực linh kiện ôtô, xe máy như Vinfast, Toyota Boshoku…
Quý III/2019, NHH ghi nhận doanh thu 311,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 167% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 864,5 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế đạt 39,8 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Cả năm 2019, HNN dự kiến đạt 1.130 tỷ đồng doanh thu và 67 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 10% và 20% so với năm 2018.
Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đăng ký niêm yết 130 triệu cổ phiếu lên HOSE, tương ứng vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng.
Nói về lý do chuyển sàn, Ban lãnh đạo MIC cho hay, Công ty quyết định chuyển cổ phiếu sang niêm yết trên HOSE vì thị trường UPCoM có điểm hạn chế là cơ chế giao dịch kém hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài...
Với nhóm ngân hàng, chuyển động lên sàn của các ngân hàng vốn dĩ được nhà đầu tư quan tâm trong những năm gần đây, nên động thái niêm yết mới được thị trường nhìn nhận ở khía cạnh tích cực. Sau VPBank, Techcombank…, sàn chứng khoán đang chờ đợi thêm các mã ngân hàng khác.
Ngày 19/11, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) nộp hồ sơ niêm yết 1,175 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng.
Nếu được HOE chấp thuận, đây sẽ là ngân hàng thứ 11 được giao dịch tại HOSE và là ngân hàng thứ 20 niêm yết, đăng ký giao dịch trên trên sàn chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của MSB, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 868 tỷ đồng, gấp 3,5 cùng kỳ năm trước.
Trong đó, riêng quý III/2019, lợi nhuận gấp 56 lần cùng kỳ, đạt 400 tỷ đồng. Các mảng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng, song điểm đáng lưu ý là số dư nợ xấu nội bảng (tính đến thời điểm cuối quý III/2019) ở mức 1.664 tỷ đồng, tăng gần 14% so với đầu năm.
Thực tế, việc lên sàn của MSB cũng như nhiều ngân hàng khác đều được đưa ra bàn luận tại các mùa đại hội đồng cổ đông những năm gần đây.
Có ý kiến quan ngại, khi lên sàn vào thời điểm thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu sẽ biến động giảm, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, về cơ bản, các cổ đông đều mong muốn đưa cổ phiếu lên sàn để thuận tiện hơn trong việc giao dịch.
Một số ngân hàng đang đăng ký giao dịch trên UPCoM như Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có kế hoạch chuyển lên niêm yết trên HOSE, song đến nay có vẻ sẽ chưa thực hiện kịp trong năm nay.
Một doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết mới lên HOSE là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG).
Với mức vốn điều lệ 750 tỷ đồng, AGG sẽ niêm yết 75 triệu cổ phiếu. Công ty đang hoàn tất các thủ tục nhằm chào sàn trong tháng 12/2019.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, dòng tiền nội tỏ ra thận trọng. Mức độ phân hóa ở mức vừa phải và không có nhiều cổ phiếu nổi bật để tạo sự sôi động nhằm thu hút dòng tiền tích cực tham gia.
Tuy nhiên, động thái niêm yết mới, chuyển sàn của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn đang được kỳ vọng sẽ nhận được sự chú ý từ phía nhà đầu tư, nhất là khối ngoại.