Cơ hội và thách thức trong kinh doanh đồ uống có cồn trên thương mại điện tử |
Đồ uống có cồn bất hợp pháp luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của các Chính phủ, hiệp hội và người tiêu dùng các nước.
Chia sẻ tại toạ đàm tổ chức ngày 9/1/2023 tại Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhìn nhận, phát biểu đồ uống có cồn phi chính thức và bất hợp pháp luôn là vấn đề nhức nhối, ở Việt Nam lượng rượu phi chính thức nằm ngoài sự quản lý của nhà nước chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA phát biểu |
Không chỉ tại Việt Nam, khu vực ASEAN cũng được dự báo là khu vực có mức tiêu thụ rượu bia không kiểm soát tăng cao vào năm 2025. Với xu hướng tiêu thụ vô cùng lớn như vậy, các sản phẩm phi chính thức sẽ gây ra nhiều tổn thất đáng kể về kinh tế, xã hội đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp, và cả ngân sách nhà nước. Theo đó tổn thất có thể lên đến 441 triệu USD, thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á
Trong khi đó, các chính sách chưa hướng tới giải quyết vấn đề gốc rễ này, chưa có giải pháp toàn diện. Doanh nghiệp mong muốn các công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt chính sách quản lý thị trường hay chính sách thuế đạt được các tiêu chí phù hợp, hiệu quả, công bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp chân chính phát triển bền vững.
“Do đó, buổi tọa đàm là cơ hội để nhìn nhận rõ các vướng mắc, thiệt hại mà các thủ thể trong nền kinh tế phải gánh chịu, từ đó đề xuất chính sách nhằm tăng cường kiểm soát đồ uống có cồn bất hợp pháp trên thị trường”, ông Nguyễn Văn Việt nói.
Quang cảnh toạ đàm |
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện của Cục Nghiệp vụ - Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động sản xuất, đăng ký, kinh doanh rượu trên cả nước đã được tổ chức ổn định và công tác kiểm tra, hậu kiểu, kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tuy vậy, tình trạng rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, do đó gây thất thu thuế cho nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính và đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đại diện Cục Nghiệp vụ đưa ra con số thống kê thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã xử lý 336 vụ, phạt tiền hơn 4 tỷ đồng đối với hàng chục ngàn chai rượu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm hợp quy…
Cùng với đó là xử lý 101 vụ, phạt tiền hơn 1,1 tỷ đồng đối với hơn 40 nghìn chai bia nhập lậu, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế trên, các đại diện từ phía Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp, bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đặc biệt là các quy định quản lý đối với rượu sản xuất thủ công; tăng cường nguồn lực và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chú trọng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương; và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tại buổi tọa đàm, Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại Châu Á – Thái Bình Dương- APISWA đã trình bày những phát hiện chính trong “Báo cáo về kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp, Thông lệ quốc tế tốt nhất và những bài học kinh nghiệm” mới được công bố cuối tháng 9/2022.
Đại diện Ủy ban Rượu vang và Rượu mạnh của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu- WSSC và APISWA cùng chia sẻ, với tư cách là những hiệp hội và liên minh thương mại hoạt động vì lợi ích của các công ty trong lĩnh vực rượu vang, rượu mạnh tại thị trường quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo đó đặc biệt đề cao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và đồng hành với các cơ quan hữu quan trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp.
Báo cáo của APISWA đề xuất 4 khuyến nghị tới các cơ quan hữu quan của Việt Nam, dựa trên những thực tiễn tốt nhất trong ASEAN. Theo đó cần tăng cường hợp tác và phối hợp ở cấp thực thi; xây dựng các chính sách thuế có tác dụng hạn chế buôn bán bất hợp pháp; xây dựng luật pháp đầy đủ để bảo vệ sự an toàn của người tiêu dùng; xây dựng niềm tin và nhận thức của người tiêu dùng trực tuyến.
Ngoài ra, báo cáo còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp giữa các quốc gia, trong khu vực và quốc tế.