Đồ chơi trẻ em: Thời cơ cho hàng Việt
Xu hướng lựa chọn đồ chơi Việt an toàn đang trở lại là một dấu hiệu đáng mừng
- Quay lại với đồ chơi Việt
Không chỉ dính bê bối về chất độc hại, đa số các loại đồ chơi Trung Quốcđang bày bán tràn lan trên thị trường đều mang nhiều tính bạo lực như súng ống đạn dược, dao kiếm, hoặc đồ chơi mang tính kinh dị như các loại mặt nạ ma quái… Xuất phát từ thực tế này, nhiều phụ huynh đã kỹ lưỡng hơn trong việc chọn đồ chơi cho con em mình. Xu hướng chọn mua đồ chơi an toàn, rõ xuất xứ, đồ chơi mang tính giáo dục… trở nên phổ biến hơn.
Khảo sát tại một số gian hàng đồ chơi của những trung tâm thương mại lớn của Hà Nội như Vincom, Parkson, Royal, Time city… không thiếu những món đồ chơi hàng hiệu với giá tiền triệu. Nhiều bậc phụ huynh vẫn mạnh tay mua cho con vì tính an toàn. Tại gian hàng đồ chơi trong khu Kids World, chị Thu Huyền (Quán Thành – Hà Nội) đang chọn cho con bộ lắp ghép máy bay có giá 1.400.000đ. Chị Huyền chia sẻ: bộ này có đắt một chút nhưng có xuất xứ Châu Âu, tem CR (hợp quy) đàng hoàng. Mình chọn mua cho con vì cháu còn nhỏ, lỡ không may cho lên miệng cũng không sợ bị ngộ độc vì màu sơn.
Không có nhiều tiềm lực kinh tế để chọn đồ chơi ngoại cho con, nhiều gia đình thường chọn đồ chơi “Made in Vietnam” với giá tiền vừa phải. Các loại đồ chơi “chơi mà học, học mà chơi” như đồ chơi xếp gỗ, các loại sách trí tuệ… có chứng nhận, có chứng nhận hợp quy (CR) được nhiều phụ huynh lựa chọn. Chị Phạm Hồng Minh - một cán bộ của Bộ Y tế cho biết: mình thường chọn cho con đồ chơi làm từ gỗ chế tạo trong nước. Loại đồ chơi này có nhiều loại, từ xếp hình, domino, nhận biết chữ, số và con vật phù hợp. Ưu điểm của loại đồ chơi này là màu sắc bắt mắt, giá phù hợp, từ vài chục nghìn đồng đến 200.000 đồng. Anh Hùng ở Xuân Thủy cũng chỉ chọn đồ chơi an toàn: “Mình mua con quay Toop của Tosy cho con chơi, bé thích lắm. Là hàng của Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, có đầy đủ chứng nhận hợp quy nên cho bé chơi mình rất yên tâm. Giá cả con quay cũng vừa phải, chỉ hơn 100.000đ, nên phù hợp với túi tiền nhà mình” - anh Hùng chia sẻ.
Cần chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước
Bà Lê Ngọc Tú Mai - đại diện Công ty CP Robot Tosy cho biết, riêng trong tháng 5 vừa qua, số lượng bán lẻ đĩa bay và con quay Tosy thị trường nội địa lên đến gần 40.000 bộ. Đây là một thực tế đáng mừng, đánh dấu sự phục hồi dần dần để lấy lại thị trường ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi Việt Nam.
Tuy có khởi sắc nhưng bức tranh chung của đồ chơi Việt vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Văn Đức Bảy, Phó giám đốc DN tư nhân Nhựa Chợ Lớn – một Dn đã làm đồ chơi cho trẻ em gần 20 năm nay cho biết: “Để dành được một góc thị phần đồ chơi, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Không chỉ phải đối đầu với “ông lớn” Trung Quốc, DN trong nước còn vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của nhiều cơ sở trong nước. Nhiều đơn vị thường “chớp” lấy những mẫu bán chạy của các đơn vị có thương hiệu rồi làm nhái, làm ẩu, bán với giá rẻ”.
Câu chuyện phát triển đồ chơi “Made in Vietnam” ngay tại sân nhà vẫn còn nhiều gian nan, bởi một yếu tố thấy rõ đó là giá thành còn cao, khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Cô Bình - chủ cửa hàng Hồng Minh Baby cho biết: thực tế, đồ chơi Việt Nam tại cửa hàng cô tiêu thụ cũng chưa nhiều vì giá đắt hơn so với hàng Trung Quốc. Nếu các doanh nghiệp Việt nắm bắt được và có những cải tiến về giá cả thì hàng mới bán tốt hơn được. Ở khía cạnh nhà sản xuất, ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành cho rằng, một nguyên nhân khiến giá đồ chơi gỗ tại Việt Nam vẫn còn cao là vì nguyên vật liệu đầu vào có giá rất cao (gỗ, nước sơn), các mẫu mã được thiết kế phải đảm bảo an toàn, không có cạnh góc nhọn, phù hợp với từng độ tuổi.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thiết bị Đồ chơi Giáo dục Văn Minh phân tích, với dân số xấp xỉ 90 triệu dân, đây chính là thị trường lớn nhất cho các DN sản xuất đồ chơi trong nước. Thế nhưng, so với các ngành khác, ngành sản xuất đồ chơi trẻ em tại Việt Nam đang bị thiệt thòi, hầu như không có một chính sách hỗ trợ nào so với một số ngành khác như bất động sản, công nghiệp hỗ trợ, may mặc… đều được hỗ trợ ít nhiều. Ở một số nước như Trung Quốc, Đan Mạch…, Nhà nước đều có chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất đai, lãi suất, hỗ trợ xuất nhập khẩu… Chính vì thế nên ngành đồ chơi của họ phát triển và luôn cạnh tranh được với chúng ta về giá. Từ thực tế này, ông Minh kiến nghị, để DN sản xuất đồ chơi Việt có thể lấy lại được thị trường trên sân nhà, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước bằng nhiều chính sách cụ thể hơn nữa.
Nguyễn Duyên