DN cao su- nhựa di dời khỏi nội thành: Dẻo... “ai nấy đi”
- Nhựa Bình Minh (BMP) là một trong số nhiều DN của ngành cao su- nhựa trên địa bàn TP HCM nằm trong diện phải di dời nhà máy khỏi nội thành theo Quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 8/7/2002 phê duyệt “Đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận”. Theo đó, BMP đang có kế hoạch di dời nhà máy tại 240 Hậu Giang, Phường 4, Quận 6, TP HCM của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP).
Từ câu chuyện di dời của Nhựa Bình Minh
Hiện nay BMP có 3 nhà máy, nhà máy 1 tại trụ sở chính tại 240 Hậu Giang, TP HCM; một nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) và một nhà máy tại Hưng Yên (miền Bắc). BMP đang có kế hoạch triển khai dự án nhà máy thứ 4 tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, Bến Lức, tỉnh Long An với diện tích 155.662m2 đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế hoàn chỉnh, khi đưa vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất lên gấp 3 lần hiện nay.
Theo ông Lê Quang Doanh - Chủ tịch HĐQT của BMP, tổng diện tích của BMP hiện nay chỉ xấp xỉ 100.000m2, khi đưa nhà máy 4 vào hoạt động, vì tập trung một chỗ nên có điều kiện tự động hóa và tối ưu hóa, nên dù diện tích chỉ tăng gấp rưỡi nhưng sản lượng có khả năng tăng gấp 3 lần hiện tại. Tuy nhiên, thời điểm để triển khai nhà máy số 4 cũng không phải một sớm một chiều. Việc đầu tư theo chiến lược “từng bước một” chứ không đầu tư một lúc.
Thực tế, BMP góp vốn 26% vào CTCP đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Minh Việt để xây dựng cao ốc tại trụ sở chính 240 Hậu Giang, TP HCM, nhưng do tình hình đầu tư bất động sản đang không thuận lợi nên dự án đang dừng ở giai đoạn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cấp phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch và các công việc chuẩn bị cho thời điểm triển khai thích hợp.
Theo ông Lê Quang Doanh: “Chủ trương về lâu về dài dứt khoát sẽ di chuyển sản xuất ra khỏi TP. Tuy nhiên, bất động sản đang không có người mua nên kế hoạch xây cao ốc năm 2013 của BMP cũng như kế hoạch di dời sẽ chậm lại…"
Cần cơ chế hỗ trợ thiết thực cho DN
UBND TP cần có cơ chế hỗ trợ thuê đất trả chậm với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN khi di dời. |
BMP chỉ là một trong số hầu hết DN có nhà máy ngành cao su - nhựa phải “dẻo ai nấy đi” ra khỏi nội thành TP. Bởi thực tế, việc thực hiện di dời đang có nhiều vướng mắc, bất cập. Vấn đề lớn nhất là thiếu sự đồng bộ trong hạ tầng khu tiếp nhận các DN sản xuất ô nhiễm, khiến TP phải đối diện với thực trạng tái diễn ô nhiễm môi trường hoặc phải tính đường di chuyển sang các nhà máy ở các tỉnh lân cận. Và tất nhiên trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải DN nào cũng có thể thực hiện được.
Cách đây không lâu, ông Cao Tung Sơn - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP thừa nhận: Các chính sách hỗ trợ di dời trong thời gian qua chỉ đạt một phần rất nhỏ so với nhu cầu vốn, do việc di dời của các DN phải đầu tư và giải quyết lớn hơn nhiều. Theo các chuyên gia, TP HCM cần triển khai nhiều chương trình như tư vấn hỗ trợ DN đổi mới, cải tạo công nghệ sản xuất, hỗ trợ vốn DN đầu tư hệ thống xử lý chất thải, phát triển phong trào vận động cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh… Mặt khác, TP cần đáp ứng nhu cầu về hạ tầng tiếp nhận, và phối hơp với các địa phương lân cận hỗ trợ DN, tránh tình trạng di dời tự phát và có chính sách ưu đãi, lộ trình hợp lý cho các cơ sở thực hiện di dời.
Trong cuộc làm việc của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân với một số DN ngành cao su-nhựa trên địa bàn TP HCM vừa mới đây, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TPHCM Nguyễn Quốc Anh kiến nghị UBND TP có cơ chế hỗ trợ thuê đất trả chậm với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN khi di dời. Đối với các DN không gây ô nhiễm nên cho tồn tại, sửa chữa nâng cấp nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp