Điều hành giá xăng dầu: Phải hài hoà giữa cơ chế thị trường và quản lý nhà nước
Phương án điều hành giá không còn phù hợp
Theo quy định hiện hành, công tác điều hành giá xăng dầu do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện.
Cụ thể, Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu, rà soát điều chỉnh các khoản chi phí cấu thành giá cơ sở (dựa vào báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu), thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hàng Quý… và thông báo cho Bộ Công Thương để áp dụng vào công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.
Điều chỉnh cách tính giá mặt hàng xăng dầu theo hướng thị trường, nhưng vẫn có sự quản lý của nhà nước (Ảnh: Cấn Dũng) |
Bộ Công Thương căn cứ vào phương pháp tính giá cơ sở do Bộ Tài chính hướng dẫn, các yếu tố hình thành giá cơ sở do Bộ Tài chính thông báo, văn bản tham gia ý kiến về phương án điều hành giá của Bộ Tài chính tại từng kỳ điều hành giá xăng dầu để tính toán, công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo chu kỳ 7 ngày/lần (như hiện nay). Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu căn cứ giá cơ sở do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính công bố định kỳ để tổ chức giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân.
Như vậy, với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua quá nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo…
Bộ Công Thương đánh giá: “Cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cụ thể, các văn bản trên nêu rõ, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.
Bước tiến mới trong tính giá xăng dầu
Để tháo gỡ khó khăn cho việc tính giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
Cụ thể, Bộ Công Thương công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như các chi phí về thuế các loại, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại Nghị định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.
Giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Điều 32 Nghị định: Giá bán xăng dầu bằng (=) chi phí tạo nguồn cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) thuế giá trị gia tăng.
Hiện nay, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính công bố giá cơ sở đối với 5 chủng loại xăng dầu: Xăng E5RON92 (xăng sinh học), xăng RON95-III, dầu điêzen 0,05S, dầu hỏa, dầu madút 180CST 3,5S. Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu căn cứ vào giá cơ sở do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính công bố để quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân.
Để tiến thêm một bước hướng tới lộ trình thị trường hóa hoàn toàn đối với giá bán xăng dầu trong nước trong tương lai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương dự kiến chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới đối với 2 mặt hàng xăng, dầu điêzen tiêu dùng phổ biến trên thị trường (hiện nay là mặt hàng xăng RON95-III, dầu điêzen 0,05S).
Đối với các sản phẩm xăng dầu Bộ Công Thương không công bố giá thế giới, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán theo cơ chế thị trường.
Trình Chính phủ 2 phương án tính giá xăng dầu
Góp ý về phương án tính giá xăng dầu, ngày 29/7/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến tại Văn bản số 1329/LĐTM-PC như sau: Dự thảo Nghị định đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu, theo đó, doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức giá trần. Theo cơ chế được đề xuất, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần. Theo đánh giá của doanh nghiệp, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức chứ không thay đổi về bản chất của việc quản lý giá xăng dầu.
Do đó, Liên đoàn đề xuất 2 phương án như sau: Phương án 1: Cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn; Phương án 2: Bỏ thủ tục kê khai giá, hoặc miễn thủ tục này khi doanh nghiệp bán hàng không đúng bằng giá trần theo quy định tại Nghị định.
Ngày 30/8, Bộ Tài chính có ý kiến tại Văn bản số 9311/BTC-QLG như sau: Tại dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định trình Chính phủ đang quy định chỉ công bố giá đối với mặt hàng xăng RON95-III, dầu điêzen 0,05S và bỏ công bố 3 mặt hàng còn lại. Đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ việc không công bố đối với chủng loại xăng E5RON92, dầu hỏa, dầu madút 180CST 3,5S, theo thông tin nắm bắt từ một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đối tượng sử dụng đối với chủng loại xăng dầu này là người tiêu dùng được khuyến khích sử dụng sản phẩm xăng sinh học, vùng sâu vùng cao, thu nhập thấp, sản xuất công nghiệp, nhà máy điện, đây là những mặt hàng liên quan đến mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế; việc thay đổi ngay và căn bản cơ chế cần phải có đánh giá cụ thể để xác định thời điểm, lộ trình phù hợp.
Bên cạnh đó, để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét, đề nghị đánh giá, làm rõ thêm những vấn đề sau: Tình hình thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay; tác động của việc thay đổi cơ chế quản lý, điều hành giá xăng dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu, đến việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước; đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và điều hành kinh tế vĩ mô; khi chuyển đổi từ cơ chế quản lý đối với 5 chủng loại xăng dầu xuống còn 2 chủng loại xăng dầu, đề nghị nghiên cứu cơ sở kiểm soát chi phí của các doanh nghiệp tránh để tăng giá bất hợp lý trong những trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa, khan hiếm nguồn cung; trong bối cảnh quy mô của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không đồng đều và khi được giao quyền chủ động trong quyết định giá bán lẻ của doanh nghiệp đối với các mặt hàng không công bố giá thì cần có các phương án cụ thể về kiểm soát nguồn cung, chế tài để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Tại Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 2/10, bên cạnh các ý kiến đồng thuận với cách tính giá xăng dầu như đã nêu tại dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng cần phải thả nổi, không công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp xăng dầu tự tính toán và quyết định.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Bộ Công Thương ghi nhận ý kiến này, nghiên cứu kỹ lưỡng và trình Chính phủ cả hai phương án. Trong đó phương án 1 là phương án như dự thảo Nghị định. Còn phương án 2 là phương án mà các đại biểu vừa nêu. Chính phủ quyết định phương án nào thì chúng ta thực hiện theo phương án đó".