Điều gì giúp Thanh Hóa “về đích” tiến độ bàn giao mặt bằng đường dây 500kV mạch 3?
Trong số 4 dự án thành phần của dự án thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối có đến 2 dự án đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Thanh Hóa, có tổng chiều dài 56,4 km, gồm có 133 vị trí móng cột, 55 khoảng néo đi qua địa bàn 6 huyện. Trong khi đó dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, dài 74,6 km, gồm 166 vị trí móng cột và 82 khoảng néo nằm trên địa bàn 5 huyện và 1 thị xã.
Với quy mô đó, Thanh Hóa được xác định là tỉnh có số lượng móng, cột nhiều nhất (299 vị trí) và là một trong hai tỉnh có quy mô tuyến đường dây dài nhất trong số các tỉnh có tuyến đường dây đi qua.
Tuy nhiên đến ngày 29/5 vừa qua, tỉnh đã hoàn thành vận động nhân dân, thực hiện bàn giao toàn bộ vị trí móng cột và các khoảng néo cho chủ đầu tư thực hiện thi công dự án.
Để hiểu rõ cách làm của tỉnh, Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá trả lời phỏng vấn Báo Công Thương - Ảnh: Thế Duy |
Thưa ông, Thanh Hóa là một trong 3 tỉnh thành về đích sớm nhất trong bàn giao mặt bằng dự án thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch –Phố Nối. Điều gì giúp tỉnh thực hiện một khối lượng lớn công việc nhanh như vậy?
Đối với dự án thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đi qua địa bàn Thanh Hoá có 2 dự án: Dự án Nam Định 1 - Thanh Hóa và Quỳnh Lưu – Thanh Hóa.
Với dự án Nam Định 1 - Thanh Hóa, chúng tôi xác định để giải phóng mặt bằng nhanh thì quan trọng nhất là phải tái định cư cho các hộ dân. Một điều thuận lợi khi thực hiện giải phóng mặt bằng đó là phần diện tích giải phóng mặt bằng qua đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn so với các dự án khác.
Cách làm là chúng tôi rà soát đối với quỹ đất của địa phương. Thứ nhất là khi chúng tôi làm cao tốc Bắc Nam phía Đông mà các địa phương còn quỹ đất thì chúng tôi sẽ ưu tiên để bố trí tái định cư cho các hộ liên quan đến khu vực này.
Thứ hai là chúng tôi ưu tiên các quỹ đất đã đưa vào kế hoạch đấu giá của địa phương được UBND tỉnh phê duyệt. Chúng tôi rà soát và điều chỉnh phần diện tích để bố trí cho các hộ dân mà các khu đấu giá đã hoàn thành hạ tầng.
Thứ 3 là đối với các hộ dân phải di chuyển toàn bộ nhà cửa, tài sản, ngoài các thủ tục bố trí về đất, chúng tôi cũng có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ gồm việc bố trí kinh phí cho các hộ gia đình thuê nhà di chuyển sớm, để bàn giao mặt bằng. Việc này thực hiện theo quy định về giải phóng mặt bằng của UBND tỉnh, quyết định theo quy định của Luật Đất đai.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thành lập các đoàn của các sở gồm một đồng chí lãnh đạo Sở Công Thương cùng các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Xây dựng cùng với lãnh đạo các huyện để đi rà soát từng vị trí, sau đó tổ chức họp dân để có sự thống nhất.
Trên cơ sở đề xuất nguyện vọng của người dân chúng tôi sẽ bố trí một cách đảm bảo nhất. Khi áp dụng các chính sách, chúng tôi làm công khai ngay từ ban đầu để các hộ dân nắm bắt được hết thông tin. Nhờ làm vậy nên chúng tôi có sự đồng thuận cao của người dân. Thực tế là rất nhiều hộ đã chủ động thuê nhà trong khu vực để di chuyển sớm, sau đó bàn giao mặt bằng.
Mặt bằng đã “sạch”, vừa qua Thanh Hóa đã triển khai các bước thi công thế nào để về đích kịp tiến độ đề ra?
Đối với việc thi công, chúng tôi yêu cầu ban quản lý dự án của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm việc trực tiếp với UBND các huyện và chính quyền các xã để thống nhất các tuyến đường công vụ phục vụ thi công cho dự án, ghi nhận hiện trạng và tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công.
Trường hợp các phương tiện thiết bị vào có thể làm ảnh hưởng, chúng tôi lập biên bản yêu cầu các đơn vị cam kết hoàn trả lại hiện trạng ban đầu đối với các tuyến đường qua khu dân cư.
Còn đối với các trang thiết bị để phục vụ thi công, chúng tôi cũng trao đổi với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia yêu cầu cố gắng bố trí các phương án có thể sử dụng được các thiết bị nhỏ gọn nhất nhằm hạn chế ảnh hưởng.
Về vật liệu xây dựng, đối với Thanh Hóa, khả năng cung ứng về vật liệu, đá, cát cũng như bê tông để phục vụ dự án này rất dồi dào so với các địa phương khác trong khu vực. Đồng thời rất nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng cung cấp trực tiếp vật liệu đến chân công trình. Ngay cả những ngày nghỉ lễ, doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng vẫn đáp ứng đầy đủ cho dự án.
Với các doanh nghiệp thi công xây dựng trên địa bàn, chúng tôi cũng rà soát và giới thiệu cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia để hai bên nắm bắt được các thông tin khi các đơn vị nhà thầu chính có nhu cầu để thuê thiết bị hoặc nhân công.
Vậy còn với dự án Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, tỉnh liệu có áp dụng như cách làm với dự án Nam Định 1 – Thanh Hóa?
Đối với dự án Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, do dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư sau so với dự án Nam Định 1 - Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy áp lực giải phóng mặt bằng rất lớn. Dự án Quỳnh Lưu - Thanh Hóa đi qua nhiều địa bàn có địa hình đồi núi, đặc biệt là đi qua khu vực khu kinh tế Nghi Sơn, có nhiều khu công nghiệp và các nhà máy đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Vì vậy, chúng tôi đã giao cho các sở ngành, nhất là Sở Công Thương và Sở Xây dựng trực tiếp đi với đơn vị tư vấn và ban quản lý dự án để rà soát trên cơ sở hồ sơ đã thiết kế mà chưa chính thức phê duyệt. Trên cơ sở thống nhất các bên chúng tôi chỉ đạo các huyện tiến hành, kiểm kê và có thể hiệu chỉnh khi bản vẽ chính thức được phê duyệt. Thực tế khi chúng tôi làm thì việc hiệu chỉnh rất ít và có thể đáp ứng được tiến độ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với đoạn tuyến này, các hộ gia đình nằm trong hành lang, vị trí cột cần phải di chuyển, chúng tôi cũng tập trung cách làm như đối với dự án Nam Định 1 - Thanh Hóa. Nhưng do thời gian gấp rút nên ngoài các đoàn của các sở ngành thì trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng như tôi đã trực tiếp tổ chức các đoàn cùng các ngành xuống hiện trường lắng nghe các ngành và các huyện báo cáo và có những quyết định tại hiện trường để đảm bảo nhanh tiến độ.
Có những hộ chưa đồng thuận cao, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã hai lần đến để tuyên truyền, vận động. Với trách nhiệm và tình cảm của lãnh đạo tỉnh như vậy, các hộ dân rất ủng hộ, đồng thuận.
Đồng thời với việc tuyên truyền, vận động, chúng tôi xác định quan trọng nhất là phải thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng trong công tác giải phóng mặt bằng, tránh việc thiếu sót khi thực hiện các chính sách.
Có thể thấy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất luôn là khó khăn với nhiều tỉnh thành khác. Về việc này, Thanh Hóa đã “hoá giải” khó khăn như thế nào?
Đối với các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng, Thanh Hóa có thuận lợi là với Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết số 37 của Quốc hội, Thanh Hoá có được một số đất liên quan đến rừng và đất lúa. Nhờ vậy Hội đồng nhân dân địa phương có thể chủ động để ra nghị quyết để thu hồi chuyển mục đích.
Cách làm của chúng tôi là chỉ đạo các ngành thực hiện các hồ sơ đảm bảo. Thực tế từ cuối năm 2012 cho đến thời điểm tháng 5/2024 tỉnh đã họp 3 phiên chuyên đề. Trong đó nội dung chính là để Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua các Nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cũng như sử dụng đất lúa.
Sau những kết quả đạt được, Thanh Hóa đã đúc rút ra được những kinh nghiệm gì trong thi công các dự án tương tự trong tương lai?
Có thể nói, để đảm bảo tiến độ đầu tiên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trực tiếp ban thường vụ Tỉnh uỷ và đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đi kiểm tra, tuyên truyền thăm hỏi các hộ dân bị ảnh hưởng, động viên các đơn vị thi công rất nhiều lần. Các ngành cũng rất trách nhiệm để tập trung nhân lực thực hiện với tiến độ nhanh nhất.
Chúng tôi yêu cầu tất cả các đề xuất của địa phương chuyển lên các ngành để trình UBND tỉnh không được quá 3 ngày. Ngoài ra, cứ 15 ngày chúng tôi đều phải họp giao ban. Chúng tôi sẽ mời đại diện các ban quản lý dự án để lắng nghe những khó khăn vướng mắc cùng với đó là phản ánh của địa phương để có giải pháp tháo gỡ, ra kết luận ngay tại cuộc họp.
Còn đối với các vấn đề vướng mắc khác, chúng tôi yêu cầu các đơn vị, trực tiếp là chủ tịch UBND các huyện nắm bắt và xử lý hàng ngày nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo lãnh đạo tỉnh.
Trường hợp để xảy ra vấn đề mà thuộc trách nhiệm quy định pháp luật cho phép giải quyết nhưng lãnh đạo địa phương để chậm trễ thì cá nhân tôi sẽ trực tiếp báo cáo đồng chí chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ để có các giải pháp chỉ đạo.
Khi đưa ra kế hoạch cao điểm để các lãnh đạo các địa phương vào cuộc và đến giờ phút này cũng rất mừng là mọi công việc cũng rất thuận lợi. Tôi cũng thấy các địa phương đã có cách suy nghĩ, cách tiếp cận và cách làm mới. Đây là một kinh nghiệm để tới đây các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cũng như các dự án lớn của Thanh Hóa, chúng tôi cũng phải có tinh thần chỉ đạo quyết liệt như vừa qua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!