Điều chuyển cán bộ gây ‘ách tắc’ trong giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có liên quan đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cũng như quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách như trình Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Đất đai; triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian thực hiện một số khâu, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án…
Trong 6 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị, 4 Công điện và rất nhiều văn bản chỉ đạo; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công; thành lập, duy trì 5 Tổ công tác thường xuyên xuống địa phương để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội…
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%). Trong khi tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương được cải thiện (đạt 30,51%, so với cùng kỳ là 28,34%) thì tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 28,77%, thấp hơn cùng kỳ (32,76%).
Vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước; nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương "tụt hạng" so với chính mình khi không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng còn thấp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công còn ít và chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2024 cao hơn khoảng 89.000 tỷ đồng so với năm 2023. Số vốn này chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết.
Tuy nhiên, do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất của các địa phương chưa thể thực hiện được, ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn chi cho đầu tư công của các địa phương.
Tiến độ của các dự án đầu tư công còn bị ảnh hưởng từ nhiều thủ tục liên quan đến việc chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…; tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra khiến giá nguyên liệu này tăng.
Ngoài nguyên nhân khách quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh những nguyên nhân chủ quan từ công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt; ngược lại có những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt.
Trong một số thời điểm, tại một số dự án, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ…
Về giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 8 giải pháp, trong đó kiến nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ nguồn thu, các giải pháp về đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương chi cho đầu tư công.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.
"Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân vốn; kiên quyết xử lý các hành vi gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công", báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Để giải ngân nhanh số vốn còn tồn đọng trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo.
"Cần ý thức tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh giải pháp.