Điệp khúc lỗ lại về trong vụ mía mới
- Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, cho biết tính đến ngày 25-9-2013, toàn huyện đã thu hoạch được 1.175 héc ta trên tổng diện tích mía của huyện là 9.553 héc ta; giá thành sản xuất vụ này là 810 đồng/kí lô gam mía.
Tuy nhiên, mía nguyên liệu hiện được nông dân bán với mức giá rất thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Đua, ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, giá mía nguyên liệu tại ruộng của nông dân hiện được thương nhân trực tiếp xuống mua với giá từ 700 – 850 đồng/kí lô gam (tùy loại).
“Những hộ bán được trên 810 đồng/kí lô gam thì có lãi, còn dưới coi như lỗ nhưng nếu tính bình quân lại, vụ mía năm nay bà con nông dân trồng mía không có lời”, ông Tự cho biết.
Theo tìm hiểu, trong 3 vụ mía gần đây, khi vụ thu hoạch bắt đầu, điệp khúc lỗ lại đến và người nông dân đang rất chán nản với cây mía - loại cây từng giúp không ít hộ nông dân tại các tỉnh ĐBSCL thoát nghèo ở những năm trước.
Để đối phó với tình trạng giá mía rớt thấp, nông dân sản xuất không có lãi, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đang có chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích nằm ngoài vùng đê bao khép kín.
“Chúng tôi đang khuyến khích nông dân chuyển sang các cây trồng khác, chẳng hạn cam, quýt, chanh không hạt…, còn 5.000 héc ta mía nguyên liệu trong vùng đê bao khép kín thì giữ lại phục vụ cho nhà máy”, ông Tự cho biết.
Về tình hình tiêu thụ và đường tồn kho, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tính đến ngày 15- 9-2013 đường còn tồn kho tại các nhà máy là 221.310 tấn, so với trước đó 1 tháng, đường tồn kho đã giảm khoảng 93.700 tấn, tuy nhiên, vẫn còn cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến 99.310 tấn.
Thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết trong vòng 1 tháng từ 15-8-2013 đến 15-9-2013 các nhà máy đường đã bán ra được khoảng 102.000 tấn đường, so cùng kỳ năm ngoái lượng đường bán ra ở giai đoạn này cao hơn khoảng 36.300 tấn.
Tuy nhiên, một vị đại diện VSSA, cho biết khả năng đường tồn kho sẽ nhanh chóng tăng mạnh trở lại trong một vài tháng tới vì các nhà máy đã vào vụ ép chính 2013-2014 với sản lượng ước khoảng 1,6 triệu tấn đường thành phẩm, trong khi đó, sức tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nhìn chung không có đột biến.
“Do vậy, đường tồn kho lớn sẽ tái diễn như thời gian qua là chuyện khó tránh khỏi”, vị này cho biết.
Đó là chưa kể trường hợp đường nhập lậu sẽ tràn vào Việt Nam dọc theo biên giới các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Long An và hạn ngạch nhập khẩu (70.000 tấn) theo cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Tự của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, cho biết hậu quả của đường tồn kho, đó là giá mía nguyên liệu sẽ rớt nhanh, nông dân càng khó khăn hơn.
Theo Kinh Tế Sài Gòn