Điện lực Sơn Trà: “Nâng cấp” nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực con người là giải pháp hiệu quả đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh
- Chịu trách nhiệm quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, điện lực hiện có 151 cán bộ, công nhân viên (CBCNV), trong đó có 1 thạc sỹ, 34 CBCNV có trình độ đại học và 114 công nhân. Để nâng cao trình độ lao động, hướng đến tăng hiệu quả, năng suất và chất lượng công việc, ngoài các đợt bồi huấn do công ty tổ chức, thời gian qua điện lực thường xuyên bồi huấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật an toàn - bảo hộ lao động (KTAT-BHLĐ); kiến thức quy trình kinh doanh, chuyên môn nghiệp vụ; các quy trình, quy định, tiêu chuẩn vận hành mới… Qua đó, từng bước nâng cao trình độ tay nghề cho CBCNV, đặc biệt là đối tượng lao động trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Trên cơ sở đó, từ quý 4/2011 đến quý 1/2013, đã có 6 đợt kiểm tra quy trình KTAT và 5 đợt kiểm tra quy trình kinh doanh. Để nâng cao ý thức an toàn trong lao động sản xuất, bên cạnh bồi huấn kiến thức, công ty cũng trao đổi, phổ biến các sự cố, tai nạn điển hình xảy ra trong thực tế, giúp người lao động rút ra bài học kinh nghiệm trong thực tiễn công tác. Với đối tượng là lao động thời vụ và nhân viên mới, chuyên môn đã phối hợp với công đoàn thống nhất phương pháp, thời gian huấn luyện nghiệp vụ, các quy trình liên quan khi thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, nhân viên mới có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt công việc, nâng cao tay nghề.
Năm 2011-2012, Điện lực Sơn Trà có tỷ lệ đạt hơn 83% trong kỳ thi nâng bậc. Trong đợt kiểm tra chéo công tác bảo hộ lao động của Tổng công ty Điện lực Miền Trung năm 2013, công ty được đánh giá cao trong công tác bồi huấn kiến thức chuyên môn, KTAT. |
Nét đáng chú ý trong công tác đào tạo tại Điện lực Sơn Trà là việc xây dựng, đưa vào áp dụng phần mềm trắc nghiệm KTAT. Từ thực tế sản xuất – kinh doanh, tác giả Hồ Vũ Thiện đã xây dựng phần mềm với hơn 300 câu hỏi. Đi vào thực tế, “ngân hàng” gồm các đề thi với những câu hỏi được xáo trộn ngẫu nhiên này đã mang lại tiện ích cho người sử dụng trong việc ôn tập các kiến thức liên quan đến công tác KTAT.
Không dừng lại ở việc bổ trợ kiến thức, thêm một giải pháp trong đào tạo đã được công nhận sáng kiến là tạo hiện trường trạm biến áp (TBA) thực tập nghề. Chú trọng đi vào thực hành, mô hình TBA trên 2 cột bê tông ly tâm được xây dựng ngay trong khuôn viên điện lực của tác giả Bùi Đỗ Quốc Huy đã góp phần nâng cao kỹ năng thực hành nghề quản lý vận hành đường dây, TBA và treo tháo công tơ của đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất tại đơn vị. Thông qua hiện trường này, điện lực đã kiểm tra kỹ năng của công nhân, đặc biệt là công nhân mới qua các công việc thực tế như thay chống sét van, cầu chì tự rơi bị hỏng, treo tháo công tơ khách hàng bị cháy… Nhờ đó, người lao động có thể rút ra kinh nghiệm bổ ích cho bản thân, thực hiện công việc theo đúng quy định như cách sử dụng dây đeo an toàn khi leo trụ, cách buộc dây cổ sứ hay lắp loại thùng 4 công tơ…
Kết quả bước đầu là cơ sở để thời gian tới Điện lực Sơn Trà không ngừng đào tạo, phát triển nguồn lực con người trên các lĩnh vực hoạt động. Trên cơ sở đó, hình thành đội ngũ lao động có chuyên môn tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh.
Hữu Mạnh