PC Hòa Bình: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường |
PC Hòa Bình: Chuyển đổi số vì quyền lợi khách hàng |
Hòa Bình là địa phương có người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, lên tới 74,43%. Đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông của Hoà Bình sinh sống trải dài ở 10 huyện và 1 thành phố, với 22 thị trấn (phường) và 129 xã.
Vận chuyển thiết bị điện lên các xã vùng sâu, vùng xa ở Hoà Bình |
Với địa hình chủ yếu là sông hồ, núi hiểm trở, để ánh sáng điện lưới Quốc gia đến được với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của Hoà Bình… những năm qua, ngành điện Hoà Bình đã không ngừng nỗ lực thực hiện.
Thực tế, việc di chuyển, đưa máy móc, trang thiết bị thi công ở các thôn, bản vùng cao, vùng lòng hồ của các huyện Đà Bắc, Mai Châu… vẫn được những người thợ điện Hoà Bình ví “khó như lên trời” vì đa phần máy móc phải mang vác thủ công. Đặc biệt là vào những mùa mưa lũ. Hình ảnh những công nhân ngành điện cùng người dân lầm lũi, cõng trên lưng từng địu cát, đá, xi măng và dùng tời để kéo cột điện vào thôn xóm đã không còn là hình ảnh xa lạ với nhiều thôn, bản vùng cao ở Hoà Bình.
Khó là vậy, xong xác định dòng điện mang ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nên công tác đầu tư lưới điện cho đồng bào dân tộc thiểu số được Điện lực Hoà Bình quan tâm đặc biệt.
Đến nay, hầu hết các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của Hoà Bình đều được sử dụng điện lưới Quốc gia. Có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số của Hoà Bình từng bước được nâng cao. Bà con được tiếp cận với các phương tiện thông tin truyền thông thường xuyên hơn. Nhà nhà đã có điện để thắp sáng; phát triển các mô hình chăn nuôi, xay xát, chế biến nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (từ 2019 - 2023), tỉnh Hòa Bình đã đầu tư, cải tạo hệ thống điện với tổng mức đầu tư 1.744,22 tỷ đồng. Trong đó, lưới điện 110kV là 918,264 tỷ đồng và lưới điện trung hạ áp là 825,958 tỷ đồng; bình quân 348,84 tỷ đồng/năm.
Cụ thể như, để hoàn thiện lưới điện cung cấp điện cho xã Tu Lý, xã Hòa Bình (huyện Đà Bắc), Công ty Điện lực Hoà Bình đã đầu tư 7,899 tỷ đồng để xây mới tuyến đường dây 22kV và cải tạo đường dây 35kV với tổng chiều dài 5,582 km. Xây dựng mới 1 trạm biến áp với công suất 250kVA-22/0,4kV. Xây dựng mới và cải tạo tổng số 13,278 km đường dây 0,4kV.
Tại xã Ngổ Luông (huyện Tân Lạc), năm 2022, Điện lực Hoà Bình đã nâng công suất 3 máy biến áp tại TBA Luông trên từ 50kVA lên 75kVA-35/0,4kV, TBA Luông dưới từ 50kVA lên 75kVA-35/0,4kV, TBA xóm Bo từ 31,5kVA lên 50kVA.
Năm 2023 này, ngành điện Hoà Bình tiếp tục đầu tư, cải tạo lưới điện hạ áp khu vực xóm Trẳm với quy mô 3,2 km, tổng giá trị đầu tư 2,56 tỷ đồng. Hiện nay, lưới điện khu vực xóm Trẳm đã vận hành đảm bảo chất lượng điện năng, bà con xóm Trẳm ai cùng vui mừng phấn khởi vì không còn cảnh chất lượng điện phập phù, lúc có lúc không.
Với hai xã Hang Kia, Pà Cò - địa phương từng gắn với điểm nóng về buôn bán, sử dụng ma túy của huyện Mai Châu - năm 2023, cả 2 xã cũng đã được đầu tư dự án điện lên tới 8,562 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng mới 2,81km đường dây 35kV; cải tạo nâng cấp 4,317km đường dây 35kV; xây dựng mới 3 TBA 35/0,4kV dung lượng 380kVA; nâng công suất 1 TBA từ 31,5kVA lên 100kVA; xây dựng mới 3,15km đường dây hạ thế; cải tạo 10,5km tuyến đường dây hạ thế.
Dự kiến quý IV năm 2023, việc đầu tư dự án điện cho Hang Kia, Pà Cò cơ bản được hoàn thành. Sẽ không chỉ là Hang Kia, Pà Cò thơ mộng với non nước hữu tình; mà đêm đến, bản làng của đồng bào Mông sẽ lấp lánh trong ánh điện lưới Quốc gia; đời sống sinh hoạt của đồng bào sẽ có những đổi thay tích cực.
Cùng với các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống lưới điện được đầu tư cơ bản đáp ứng các thông số kỹ thuật ngành điện, chất lượng điện năng được nâng lên đang có những tác động mạnh mẽ tới việc đảm bảo nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hoà Bình. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thu hút các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến nông lâm sản, góp phần kích thích kinh tế ở các xã vùng sâu, vùng xa phát triển.
Thời gian tới, để việc đầu tư nâng cấp lưới điện cho vùng dân tộc thiểu số ở Hoà Bình tiếp tục đạt được những mục tiêu đặt ra; ngành điện Hoà Bình mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phòng mặt bằng để công ty sớm hoàn thành công tác đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị bà con nhân dân tuân thủ thực hiện chính sách quy hoạch di dân của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, song song với việc đầu tư cải tạo, sửa chữa lưới điện để đảm bảo chất lượng điện ngày một tốt hơn của ngành điện; phần tài sản của khách hàng như: Dây điện sau công tơ... bà con cần tích cực phối hợp các cơ quan ban ngành liên quan thực hiện công tác phòng chống cháy nổ cũng như đảm bảo an toàn điện.
Công ty Điện lực Hoà Bình đã và đang phối hợp tích cực với các cơ quan ban ngành của tỉnh, địa phương... tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp với các hộ gia đình sử dụng điện để cải tạo nâng tiết diện dây phù hợp công suất tải, nâng cao chất lượng điện, đặc biệt tránh nguy cơ quá tải có thể gây chạm chập cháy nổ góp phần đảm bảo an toàn cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngành điện Hoà Bình rất mong đồng bào các dân tộc sẽ tích cực phối hợp để ánh sáng của điện lưới Quốc gia không chỉ nâng cao đời sống tinh thần, mà còn xoá đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của Hoà Bình.