Thứ tư 23/04/2025 06:38

Điện Biên: Cử tri đồng thuận cao với phương án sắp xếp, sáp nhập 65% cấp xã

Điện Biên sáp nhập giảm 84 xã, 83% cử tri đồng thuận. Bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn – tạo dư địa phát triển vùng biên và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Chiều 22/4, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị lấy ý kiến lần thứ hai về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân. Cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị lấy ý kiến lần thứ hai về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân. Ảnh: Thủy Lan

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Tiến Đạt, trong đợt lấy ý kiến lần hai từ ngày 18 - 22/4, toàn tỉnh có hơn 112.060/132.477 cử tri tham gia, đạt tỷ lệ 84,59%. Đáng chú ý, có tới 110.131 cử tri đồng tình với phương án sắp xếp (chiếm 83,13%), chỉ 2.045 người không đồng thuận, tương đương 1,54%. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự đồng thuận xã hội cao, làm tiền đề cho việc tổ chức lại bộ máy hiệu quả.

Bên cạnh đó, có 36 kiến nghị liên quan đến vị trí trụ sở, tên gọi đơn vị hành chínhmới hoặc đề nghị điều chỉnh địa giới phù hợp với thực tiễn đời sống, cho thấy người dân không chỉ quan tâm mà còn chủ động tham gia vào việc xây dựng bộ máy chính quyền mới.

Trong đợt lấy ý kiến lần hai từ ngày 18–22/4, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 112.000/132.000 cử tri tham gia, đạt tỷ lệ 84,59%. Ảnh: Thủy Lan

Theo đề án, sau khi sắp xếp, toàn tỉnh Điện Biên sẽ còn 45 xã, phường - giảm 84 đơn vị so với hiện tại. Đây là tỷ lệ giảm lớn (65,1%), thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc thực hiện chủ trương chung của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại cơ sở.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Việc tinh giản phải đi đôi với hiệu quả thực chất. Không chỉ giảm đầu mối mà còn phải bảo đảm người dân tiếp cận dễ dàng dịch vụ hành chính, tạo thuận lợi trong giao dịch, sinh hoạt và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ông cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận cao với phương án sắp xếp - đặc biệt về tên gọi và nơi đặt trụ sở UBND xã mới, theo nguyên tắc: Thuận tiện cho dân, tạo dư địa phát triển.

Từ ngày 23 - 25/4, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ tổ chức kỳ họp HĐND để thông qua nghị quyết về phương án sắp xếp và gửi về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) chậm nhất vào trưa 25/4. Phương án hoàn chỉnh sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy để phê duyệt, đảm bảo đúng thời gian theo kế hoạch đề ra.

Việc cắt giảm 84 đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là sắp xếp bộ máy mà còn là bước chuyển mạnh mẽ để Điện Biên mở rộng không gian phát triển. Ảnh: Thủy Lan

Việc cắt giảm 84 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương hơn 65%, không chỉ là sắp xếp bộ máy mà còn là bước chuyển mạnh mẽ để Điện Biên mở rộng không gian phát triển, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Qua đó, hướng tới mô hình chính quyền gần dân, vì dân và phục vụ phát triển bền vững vùng biên giới phía Tây Tổ quốc.

Hiện tại, số đơn vị hành chính cấp xã ở Điện Biên là 129, sau sáp nhập còn lại 45. Số đơn vị giảm là 84 xã, phường (tương đương 65,1%). Tỷ lệ cử tri tham gia ý kiến: 84,59%. Tỷ lệ cử tri đồng thuận: 83,13% tổng số cử tri toàn tỉnh. Tiến độ hoàn thành: Trước ngày 25/4. Việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là yêu cầu về mặt hành chính, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc không gian phát triển của Điện Biên - địa phương có vị trí chiến lược nơi phên giậu phía Tây Bắc, kết nối với Lào và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Một bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả sẽ là nền tảng cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Thu Thủy
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Điện Biên