Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 23/11/2023: Giá vàng trong nước tăng cao nhất
Giá vàng trong nước tăng cao nhất
Giá vàng trong nước hôm nay 23/11 “phi mã”, với mức tăng cao nhất 800.000 đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 71,1 triệu đồng/lượng mua vào và 71,82 triệu đồng/lượng bán ra.
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 23/11/2023: Vàng trong nước tăng cao nhất |
Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 600.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá gạo Việt lập đỉnh mới
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/11, Việt Nam xuất khẩu gần 7,4 triệu tấn gạo, giá trị ước khoảng 4,16 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 1989 tới nay. Gạo cũng trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu xếp thứ 4 của ngành nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ, thuỷ sản và rau quả.
Chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, thị trường gạo trên thế giới tiếp tục sôi động dịp cuối năm và đầu năm 2024 do nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, giá gạo neo ở mức cao và khó giảm xuống dưới ngưỡng 640-650 USD/tấn.
Giá tour Tết tăng khoảng 10% so với ngày thường
Tại một số công ty lữ hành, tour đi nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ người mua so với tour đi trong nước. Mặc dù còn hơn 2 tháng tới là đến Tết Nguyên đán nhưng các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã có kế hoạch chuẩn bị đón đầu mùa cao điểm.
Nếu so với năm trước, năm nay các doanh nghiệp chào bán sản phẩm sớm hơn 3 tuần, đồng thời đa dạng sản phẩm từ trong và ngoài nước để khách hàng có nhiều lựa chọn. Ví dụ một số sản phẩm khởi hành trong tháng 12, tour trong nước miền Bắc 4 ngày 3 đêm, xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh có giá bán khoảng 5,8 triệu đồng. Trong khi tour đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm chỉ có 5 triệu đồng.
Một số tour đi nước ngoài trong dịp Tết được các công ty thiết kế dao động từ 4 - 11 ngày, như tour Đài Loan, Trung Quốc có giá từ 12 - 14 triệu đồng; tour Nhật Bản từ 24 triệu đồng và tour đi Pháp, Đức, Thụy Sỹ có giá hơn 100 triệu đồng...
Bác đề xuất của một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô
Bộ Tài chính mới có Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Đáng chú ý tại Tờ trình, Bộ Tài chính không ủng hộ kiến nghị giảm điều kiện về sản lượng của Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô, do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương trước đó đề nghị xem xét kiến nghị của Công ty TNHH Ford Việt Nam về việc điều chỉnh giảm sản lượng của Chương trình ưu đãi thuế năm 2023.
Doanh nghiệp Đức ưu tiên đa dạng sản xuất, chế tạo tại Việt Nam
Qua khảo sát, 42% công ty Đức tại Việt Nam cho biết ưu tiên đa dạng hóa sản xuất và chế tạo. Điều này cho thấy sự tập trung vào chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, việc bán hàng và tiếp thị, dịch vụ, logistics cũng được xem trọng, nhấn mạnh xu hướng đầu tư toàn diện.
10 tháng năm nay, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đánh giá Đức đã tiến một bước mạnh mẽ trong việc củng cố sự hiện diện tại Việt Nam với 26 dự án đầu tư được thực hiện, tổng vốn gần 221,5 triệu USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính lũy kế đến hết tháng 3 năm nay, Đức có 443 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,36 tỷ USD, đứng thứ 18 trên 143 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Phần lớn dự án và vốn đầu tư của Đức tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.
Hiện 26 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận FDI của Đức, chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức (Siemens, Metro, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Allianz, B.Braun, Messer...) đã mở các cơ sở và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Việt Nam chi hơn 4,2 tỷ USD nhập thức ăn gia súc
Nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 10/2023 tiếp tục tăng 7,5% so với tháng 9/2023 và tăng 12,6% so với tháng 10/2022, đạt 451,55 triệu USD.
Tính chung 10 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 4,27 tỷ USD, giảm 5,2% so với 10 tháng năm 2022. Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 28,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 1,21 tỷ USD, giảm 10,1% so với 10 tháng năm 2022.